Thương cảng cổ Vân Đồn

Khám phá Việt Nam-Chủ nhật, ngày 05/01/2014 12:24 GMT+7

 Năm 1149 vua Lý Anh Tông cho thành lập trang Vân Đồn để buôn bán với người nước ngoài, mở ra sự hình thành và phát triển của hệ thống thương cảng Vân Đồn - cánh cửa hội nhập đầu tiên của nước ta.

Đây cũng là thương cảng biển đầu tiên của Việt Nam trong giao thương với các nước trong khu vực Đông Á và thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia ... Thương cảng Vân Đồn thịnh vượng suốt 3 triều đại là Lý - Trần - Hậu Lê (Lê sơ) rồi suy thoái và bị lãng quên vào thời nhà Mạc. Di tích Thương cảng Vân Đồn còn chứa đựng dấu ấn của nhà Trần về chiến công chống ngoại xâm lại vừa có dấu ấn về giao thương, buôn bán.

Sau khi Thương cảng Vân Đồn được hình thành từ thời Lý đến thời Trần đã phát triển tới hưng thịnh. Di tích Thương cảng cổ Vân Đồn đã được xếp hạng di tích quốc gia.

Nhiều hiện vật đã được tìm thấy tại nhiều điểm trên các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn, trong đó có một trung tâm chính tại Cái Làng thuộc xã Quan Lạn. Các bến thuyền cổ trung chuyển hàng hoá gồm hương liệu, gốm sứ, lâm thổ sản hình thành dọc ven sông Bạch Đằng, Cửa Lục cho tới các đảo Cống Đông, Quan Lạn. Tại đảo Cống Đông (nay là xã Thắng Lợi), các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích của nhiều công trình kiến trúc Phật giáo quy mô thời Trần như chùa, tháp, nhiều di vật bia đá, lan can, chân kê cột... Đây là những minh chứng rõ nhất cho sự phát triển phồn thịnh về thương mại dưới triều nhà Trần.


‘ Khu di tích quốc gia Thương cảng Vân Đồn ngày nay.

Thương cảng cổ Vân Đồn không phải là một bến cảng với những cầu tàu nối tiếp trên một vũng biển như hiện nay mà gồm nhiều bến thuyền phân bố trên chiều dài hàng chục km từ Nam lên Bắc. Từ đại dương đi vào, bến đầu tiên của cảng Vân Đồn là Cái Làng nằm sát dưới chân núi Man thuộc đảo Quan Lạn. Đối diện với bến Cái Làng là bến Cống Cái nằm dưới chân núi Vân, rồi bến Con Quy ven đảo Ngọc Vừng, các bến thuyền nằm giữa hai đảo Cống Đông, Cống Tây…

Việc bố trí cảng ở nhiều địa điểm nhằm giảm lưu lượng tàu thuyền tập trung quá đông vào một bến, đồng thời quy định cụ thể nơi đỗ của tàu thuyền ngoại quốc và tàu thuyền trong nước, tránh đỗ xen kẽ để dễ bề quản lý.

Hàng hoá trao đổi ở cảng Vân Đồn thời đó có các sản vật tự nhiên phong phú như hương liệu, ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu. Các loại hàng hoá này thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hàng xuất khẩu hàng năm của quốc gia Đại Việt.

Loại hàng hoá thứ hai đứng sau sản vật tự nhiên là đồ sứ. Thời Lý, đồ sứ men ngọc với kỹ thuật chế tác khá cao, không kém đồ sứ men xanh “Long Tuyền” của Trung Quốc hồi đó. Đồ sứ thời Lý dáng thanh nhã, hoa văn trang trí khéo léo, đẹp mắt, thường là hoa văn đắp nổi cả trong và ngoài mặt thành đồ vật. Theo một nhà sử học Nhật Bản từng nghiên cứu về Vân Đồn, thì đồ sứ triều Lý được nhiều nước ưa chuộng và đã thấy bán ở tận xứ Đông Ấn.

Đến thời Trần, đồ sứ phát triển thêm một bước mới, kiểu dáng khoẻ khoắn, men son nâu thanh thoát, giản dị chẳng những làm cho thương nhân nhiều nước ưa chuộng, mà ngay đến cả vua chúa triều Nguyên (Trung Quốc) cũng ưa dùng, muốn trong số những cống vật của nhà Trần dâng cho “Thiên triều” phải có loại bát sứ.

Loại hàng hoá thứ ba là lụa là, gấm vóc. Tuy tỷ trọng xuất khẩu không lớn, những đồ dệt của thợ thủ công kỷ nguyên Đại Việt khá đa dạng, kỹ thuật tinh tế, màu sắc rực rỡ.

Ngày nay, Thương cảng cổ Vân Đồn là một điểm đến của du khách bốn phương. Và để tìm hiểu thêm về địa danh lịch sử này, mời các bạn cùng xem tập phim Khám phá Việt Nam sau đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước