Vịnh Mốc - Địa đạo huyền thoại

Khám phá Việt Nam-Thứ năm, ngày 12/12/2013 06:00 GMT+7

 Địa đạo Vịnh Mốc từng là một công trình quân - dân sự trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng đến nay, địa danh lịch sử này trở thành một khu du lịch thu hút khách tham quan khi đến với Quảng Trị.

Lịch sử

Trong những năm 1960, chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm không tôn trọng hiệp định Genève (1954) và không tiến hành tổng tuyển cử như dự định. Cùng với việc tấn công vào các phong trào nổi dậy ở miền Nam, Mỹ đã ra sức khiêu khích, gây chiến với lực lượng Việt Nam dân chủ cộng hòa bảo vệ giới tuyến ở Vĩnh Linh. Năm 1965, Mỹ đã tạo ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ để bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không lực, trong đó Vĩnh Linh là mục tiêu đánh phá hàng đầu.

Trong suốt những năm 1965 - 1972, Vĩnh Linh liên tục bị đánh phá với tổng cộng hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại. Tính bình quân, mỗi người dân ở đây đã phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ.

Quá trình xây dựng

Địa đạo đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1947 tại vùng Phú Thọ Hòa (nay thuộc Tân Bình - TP.HCM). Rồi sau đó, những năm 1961 - 1965, ở Củ Chi đã xuất hiện hệ thống địa đạo lan rộng khắp 5 xã.

‘ Bên ngoài Địa đạo Vịnh Mốc . (Ảnh: Tin tức Du lịch)

Vào cuối năm 1963, ông Trần Nam Trung từ Trung ương Cục ĐCSVN ở miền Nam Việt Nam trên đường ra Bắc đã ghé thăm khu vực chiến sự ở xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh). Sau khi quan sát địa hình, địa chất ở nơi đây, ông gợi ý Vĩnh Linh nên đào địa đạo như ở Củ Chi.

Với phương châm: “Một tấc không đi, một li không rời. Mỗi làng, xã là một pháo đài”, thông qua chỉ thị của khu ủy Vĩnh Linh, đồn trưởng đồn công an vũ trang nhân dân 140 Lê Xuân Vy đã chỉ huy đơn vị và nhân dân địa phương nhanh chóng tiến hành đào địa đạo. Công trình được bắt đầu từ đầu năm 1965 và được hoàn thành vào ngày 18/02/1966.

Điều đặc biệt là học vấn của vị chỉ huy công trình này lúc bấy giờ chỉ vừa hết tiểu học. Hiện nay, ông là cựu trung tá đang tá túc ở thành phố Đông Hà và bị mù do ảnh hưởng bởi vết thương trong chiến tranh. Hiện nay, Địa đạo Vịnh Mốc đã trở thành di tích lịch sử và phục vụ cho dịch vụ du lịch.

Cấu trúc

Ðể bảo đảm cho hàng trăm con người ăn, ở, sinh hoạt an toàn, tiện lợi, dọc hai bên đường hầm người ta xây dựng rất nhiều căn hộ, mỗi căn hộ đủ chỗ cho 3 - 4 người ở. Trong lòng địa đạo có ba giếng nước, một hội trường (với sức chứa 50 người), bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại...

‘ Giao thông hào ở Địa đạo. (Ảnh: Wiki)

Hai bên trục đường chính cách nhau từ 3 - 5m lại khoét lõm sâu vào thành một hầm nhỏ, dùng làm nơi sinh hoạt của một gia đình. Ðịa đạo được cấu tạo thành ba tầng.

Tầng 1 sâu cách mặt đất từ 12 - 15m, là nơi sinh sống của nhân dân. Tầng 2 sâu 18m là nơi đóng trụ sở của Ðảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy quân sự. Tầng 3 sâu 22m dùng làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của quân dân Vịnh Mốc.

Theo thống kê, có đến 18.000 ngày công được huy động để đào địa đạo Vịnh Mốc trong 2 năm. Địa đạo này được đào ở vùng đất đỏ Bazan từ năm 1965 và hoàn thành 2 năm sau đó.

Không khí làm cho đất sét trong lòng địa đạo càng ngày càng cứng chắc hơn nên nó vẫn tồn tại gần như nguyên bản cho đến tận ngày hôm nay. Toàn bộ hệ thống địa đạo Vịnh Mốc có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó có 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi, mỗi cửa hầm được coi như một lỗ thông hơi. Tại các cửa hầm đều có lắp đặt gỗ chống sập và thường xuyên được gia cố để chống sụt lở. Cư dân địa đạo ít khi ra ngoài. Họ chỉ ra ngoài lúc cần thiết, lúc không nguy hiểm.

Địa đạo Vịnh Mốc nằm trong hệ thống các điểm du lịch khu phi quân sự trước đây trong chiến tranh Việt Nam, đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Khu bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc chính thức mở cửa đón khách từ năm 1995 đến nay đã thu hút được một lượng du khách lớn.

Các bạn có thể tham quan Địa đạo Vịnh Mốc qua tập phim Khám phá Việt Nam sau đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước