Những khu rừng nhiệt đới ở nước ta là nơi sinh sống của một loài thú có vú lớn nhất trên cạn - Loài voi châu Á. Voi nổi tiếng là loài động vật thông minh và có tài ghi nhớ. Chúng thể hiện mọi cung bậc cảm xúc như con người, từ vui buồn, giân dữ hay lo âu. Chiếc vòi là công cụ hữu hiệu để voi sử dụng trong mọi hoạt động thường ngày. Voi châu Á giành tới 16 tiếng mỗi ngày để ăn cỏ và lá cây. Chúng có thể chứa được 3 tạ thức ăn mỗi ngày để sinh tồn.
Trong những khu rừng nhiệt đới, voi sống hòa bình với một loài động vật to lớn khác – đó là bò tót.
Về mặt di truyền, trước đây người ta cho rằng chúng có quan hệ họ hàng gần với trâu, nhưng các phân tích gen gần đây đã cho thấy chúng gần với bò hơn.
Tại Việt Nam, bò tót được người dân tộc thiểu số gọi là con min, nghĩa là trâu rừng, do có hình dáng tương tự loài trâu. Nhìn chúng giống như trâu ở phía trước và giống như bò ở phía sau. Bò tót sống thành đàn từ 2 đến 10 cá thể. Những con bò đực già thường sống đơn độc hoặc hợp với nhau thành từng nhóm nhỏ. Chúng thích ăn lá non, mầm tre non, cỏ non mới mọc ở nương rẫy hoặc các khu vực giáp ranh với rừng.
Bò tót đã được các chuyên gia động vật học trên thế giới thừa nhận là một loài bò rừng lớn nhất trong tự nhiên, to lớn hơn cả trâu rừng châu Á và bò rừng ở Bắc Mỹ. Một con bò đực trưởng thành có thể cao trên 2 mét và nặng tới 1,5 tấn. Với vóc dáng này, bò tót là loài thú lớn thứ 3 về chiều cao, chỉ xếp sau loài hươu cao cổ và voi. Chúng là loài có trọng lượng cơ thể đứng thứ 5 trong các loài động vật trên cạn: sau voi, tê giác trắng, tê giác Ấn Độ và hà mã.
Mỗi sinh vật là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới sống trên hành tinh. Chúng cạnh tranh nhưng lại phụ thuộc lẫn nhau theo qui luật chuỗi thức ăn. Nếu một loài bị tuyệt chủng sẽ đồng nghĩa mạng lưới sống bị đứt một mắt xích. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự và sự cân bằng của thế giới tự nhiên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!