"Tháng cô hồn" và những điều cần lưu ý

Theo Dân trí-Thứ tư, ngày 03/08/2016 17:36 GMT+7

VTV.vn - Tháng 7 âm lịch hàng năm còn gọi là “Tháng cô hồn”. Trong đó, cúng cô hồn là tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được lưu truyền từ nhiều đời nay.

Ý nghĩa và lễ cúng tháng cô hồn

Theo tục lệ dân gian, vào "Tháng cô hồn", người trần gian sẽ cúng muối, gạo, cháo, để quỷ đói không quẫy nhiễu cuộc sống hàng ngày. Ở Trung Quốc, người ta còn gọi quỷ đói là “anh em tốt”, để lấy lòng linh hồn quỷ đói. Hàng năm, người Trung Hoa cúng cô hồn vào ngày 14/7 âm lịch.

Ở Việt Nam, cúng cô hồn là tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được lưu truyền từ nhiều đời nay. Người Việt cho rằng, con người gồm phần hồn và phần xác. Khi con người mất đi, phần hồn vẫn tồn tại. Có người được đầu thai sang kiếp khác. Còn có người bị đẩy xuống địa ngục làm quỷ đói, quẫy nhiễu nhân gian. Bởi vậy, người dân quan niệm, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không mang lại điều may mắn. Chính vì thế, những việc trọng đại như cưới hỏi, mua sắm, xây dựng, đi xa đều tránh tháng cô hồn.

Hàng năm, tùy theo từng vùng miền, người Việt sẽ làm lễ cúng cô hồn. Tục cúng cô hồn ở Việt Nam không ấn định ngày cụ thể mà tùy thuộc vào từng gia đình. Theo quan niệm xưa, việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quậy phá, còn vì muốn làm phúc, giúp đỡ cô hồn đỡ tủi phận. Điều này mang ý nghĩa nhân văn cao trong văn hóa người Việt.

Có thể làm mâm cúng vào bất cứ ngày nào trong tháng 7 âm lịch. Đồ cúng thường có hương, hoa, đèn, gạo, muối, nước lã, cháo loãng và các món ăn. Khi lễ cúng kết thúc, người Việt sẽ rải gạo và muối ra sân, đốt vàng mã cho người đã khuất. Ở nhiều địa phương, sau khi cúng xong, người dân còn cho trẻ con cướp cỗ cúng cô hồn.

Những điều cấm kỵ trong tháng cô hồn theo quan niệm dân gian xưa:

Theo quan niệm người xưa, trong tháng cô hồn, người ta dễ gặp phải những điều xui xẻo nếu không may “phạm” phải điều kiêng kị.

1.Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ.

2. Những người yếu bóng vía không nên đi chơi đêm trong những ngày này.

3. Không tùy tiện đốt giấy tiền, vàng mã.

4. Không ăn vụng đồ cúng vì đó là đồ dành cho ma quỷ. Nếu ăn đồ chưa cúng dễ rước họa vào thân.

5. Không phơi quần áo ướt vào ban đêm.

6. Những người đi chơi đêm không nên gọi tên nhau vì ma quỷ có thể nhớ tên người được gọi và đó là điềm xấu.

7. Không nên bơi lội trong những ngày này vì không cẩn thận, ma quỷ sẽ làm bạn trẹo chân.

8. Không hù dọa người khác, khiến họ giật mình, dễ bị “hồn bay phách lạc”, dễ khiến ma quỷ xâm nhập.

9. Không ngồi ở khu vực quanh cây đa vì đó là nơi “hội tụ” nhiều âm khí.

10. Không nên nhặt tiền bạc rơi vãi ra đường, vì có thể đây là tiền cúng mua chuộc “quỷ đầu trâu mặt ngựa”.

11. Không cắm đũa dựng đứng giữa bát cơm vì đây là hình thức cúng tế, như thắp hương, dễ dụ ma quỷ vào ăn cùng.

Những điều nên làm trong tháng cô hồn theo quan niệm dân gian xưa:

1. Cúng cô hồn vào bất cứ ngày nào trong tháng 7 âm lịch, để tỏ lòng thành kính.

2.Thăm mộ phần của những người thân trong gia đình

3. Hạn chế sát sinh động vật

4. Nên ăn chay để tránh điềm dữ

5. Nên làm nhiều việc thiện, đi chùa thắp nhang cầu siêu, cầu sức khỏe.

6. Trong tháng cô hồn nên tránh làm nhiều việc lớn như cưới xin, mua bán nhà cửa, đi xa.

7. Nên ăn nói nhã nhặn, vui vẻ với gia đình, bạn bè, tránh xa các cuộc xung đột.

8. Trước khi dọn đồ cúng cô hồn, nếu chưa kịp thắp nhang khấn vái đã có người tới tranh giật đồ cúng, nên buông tay. Nếu bạn giật lại đồ cúng, hậu quả nhận được là những điều tệ hại. Nếu bạn chưa làm lễ đã có người chờ giật đồ có nghĩa là tín hiệu tốt.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Từ khóa:

tháng cô hồn

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước