Tết Trung thu xưa và nay – Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

P Giang-Chủ nhật, ngày 15/09/2024 10:54 GMT+7

VTV.vn - Trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là ở các thành phố lớn, Tết Trung thu đã có nhiều thay đổi để thích nghi với nhịp sống đô thị hóa.

Tết Trung thu là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng và ý nghĩa nhất trong văn hóa Việt Nam. Tết Trung thu diễn ra vào ngày rằm tháng tám âm lịch, là thời điểm chính giữa của ba tháng mùa thu nên được gọi là Tết Trung thu.

Vào thời gian này, bầu trời trong và mặt trăng rất tròn, sáng rực rỡ nhất trong năm. Theo phong tục của người Việt, trong ngày này, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau làm mâm cỗ cúng gia tiên, cùng trông trăng, phá cỗ thưởng thức những sản vật của mùa thu. Vì vậy Tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên.

Trải qua thời gian, Tết Trung thu đã có nhiều thay đổi để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của xã hội hiện đại nhưng những điều cơ bản, những giá trị cốt lõi của Tết Trung thu vẫn tồn tại và được lưu truyền.

Tết Trung thu xưa

Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, Tết Trung thu xưa trước hết là Tết của nhà nông, là lễ hội của người nông dân cầu mùa màng bội thu. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp nên các lễ hội của người Việt đều theo mùa. Tết Trung thu diễn ra vào thời điểm kết thúc mùa vụ, công việc nhà nông đỡ bận rộn hơn, các sản vật thu hoạch cũng dồi dào, người dân mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi, uống rượu, nhắm trà, thưởng nguyệt.

Tết Trung thu xưa và nay – Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu

Tết Trung thu xưa và nay – Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 2.

Một cửa hiệu bán đèn lồng và đồ chơi Trung thu năm 1915 trên phố Hàng Gai, Hà Nội. Ảnh do nhiếp ảnh gia Léon Busy chụp, thuộc kho sưu tập ảnh màu của Albert Kahn.

Tết Trung thu xưa và nay – Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 3.

Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, trẻ con đã được bố mẹ đưa lên phố Hàng Gai, Hàng Mã ngắm và mua đồ chơi. Ảnh: Léon Busy

Tết Trung thu ở Việt Nam thường bao gồm các hoạt động như: Múa lân, rước đèn lồng, gia đình cùng nhau sum họp, quây quần bên nhau bày cỗ trông trăng và phá cỗ, thưởng thức các món ăn truyền thống như bánh Trung thu, tham gia các trò chơi dân gian..

Mâm cỗ Trung thu thường có con chó làm từ tép bưởi và mắt làm bằng đậu đen, xung quanh bày bánh nướng, bánh dẻo và các hoa quả của mùa thu như quả hồng, thị, chuối, cốm, na…Khi trăng lên mọi người cùng nhau trông trăng, phá cỗ.

Tết Trung thu xưa và nay – Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 4.

Bánh Trung thu xưa khá đơn giản, thường dùng các nguyên liệu truyền thống như: gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh, hạt sen, dừa, mứt bí...

Buổi tối trẻ em kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, cùng nhau rước đèn Trung thu. Đồ chơi Trung thu phổ biến của các em thường là: mặt nạ, đèn lồng, đèn ông sao, trống cơm… Hạt bưởi được xiên vào dây treo, phơi khô và đốt sáng vào đêm Trung thu.

Vào dịp Tết Trung thu có tục múa Sư tử còn gọi là múa Lân. Người ta thường múa Lân vào hai đêm 14 và 15. Ðám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân… Ðám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Múa Lân thường biểu diễn trên sân đình làng hoặc trước cửa nhà các hộ gia đình.


Tết Trung thu nay: Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là ở các thành phố lớn, Tết Trung thu đã có nhiều thay đổi để thích nghi với nhịp sống đô thị hóa.

Mâm cỗ Trung thu cũng có sự biến đổi nhất định. Bên cạnh những món bánh truyền thống, giờ đây còn có sự xuất hiện của những loại bánh hiện đại, với nhiều hương vị và hình dáng phong phú. Bánh Trung thu nhân sô cô la, trà xanh, hay thậm chí là nhân kem lạnh đã trở thành một phần của lễ hội, mang đến sự mới mẻ nhưng vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng.

Đồ chơi Trung thu ngoài những chiếc đèn lồng giấy truyền thống có thêm rất nhiều loại đèn lồng điện tử với đủ loại hình dáng và màu sắc, phát ra những âm thanh vui nhộn.

Các hoạt động rước đèn, phá cỗ truyền thống cũng dần nhường chỗ cho các sự kiện tổ chức tại các trung tâm thương mại, công viên giải trí, nơi trẻ em được tham gia vào những trò chơi hiện đại hơn như xem phim, biểu diễn nghệ thuật, hoặc tham gia vào các hoạt động từ thiện.

Tết Trung thu ngày nay dù đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi từ quá khứ. Trung thu vẫn là dịp để gia đình quây quần bên nhau, cùng tận hưởng những khoảnh khắc đoàn viên và sẻ chia, là dịp để con cháu thể hiện sự hiếu kính và lòng biết ơn với các đấng sinh thành.

Tết Trung thu xưa và nay – Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 5.
Tết Trung thu xưa và nay – Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 6.
Tết Trung thu xưa và nay – Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 7.
Tết Trung thu xưa và nay – Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 8.
Tết Trung thu xưa và nay – Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 9.
Tết Trung thu xưa và nay – Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 10.

Một mùa trăng mới đang về, phố phường Hà Nội lại thêm náo nức, rực rỡ sắc màu với đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con thỏ... Từ những trung tâm văn hóa của các khu dân cư hay sảnh cộng đồng của các tòa nhà chung cư trong thành phố vang lên tiếng trống lễ hội rộn ràng với những màn múa lân vui tươi. Trên các tuyến phố đi bộ của Thủ đô, nhiều trò chơi dân gian được bày ra, thu hút các em nhỏ. Các bạn nhỏ say mê, chăm chú theo dõi các màn múa lân và hào hứng tham gia các trò chơi truyền thống.

Đã từng có giai đoạn chúng ta lo lắng nhiều nét văn hóa dân gian, truyền thống đang bị mai một dần, nhưng thực tế cho thấy những giá trị văn hóa tốt đẹp sẽ luôn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những phong tục văn hóa vốn được tạo nên từ dân gian nên chính dân gian sẽ là nơi lưu giữ để những phong tục ấy trường tồn với thời gian.

Một mùa trăng mới đang về - Mùa của đoàn viên, yêu thương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

tết trung thu

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước