"Bố Trần Phúc của tôi vừa là người Cha kính yêu và là người thầy tôi kính trọng. Tôi may mắn được thừa hưởng tính cách và niềm đam mê thể thao, âm nhạc, điện ảnh bố truyền cho tôi từ khi là cậu con trai 5 tuổi. Những buổi chiều tối, hai cha con đi bộ hoặc đi tàu điện lên sân vận động Hàng Đẫy xem bóng đá hay những buổi đi theo bố để cổ vũ bố thi đấu các giải bóng bàn ngành giáo dục thành phố Hà Nội (năm 1985) tại Nhà Thi Đấu 10/10. Rồi những buổi đi xem ca nhạc, kịch, cải lương, phim truyện tại những rạp lừng danh của Thủ đô Hà Nội: Nhà Hát Lớn, Đại Nam, Công Nhân, Nhà Hát Tuổi Trẻ, Tháng 8,.... Bố là nguồn cảm hứng của tôi mỗi khi hai bố con ngồi trò chuyện và nhâm nhi ly cà phê đen để chia sẻ về âm nhạc, bóng đá, bóng bàn". Đó là những lời chia sẻ từ thầy giáo Trần Phương con trai thầy Trần Hữu Phúc.
Năm nay, thầy Trần Hữu Phúc đã 92 tuổi. Với thầy, đáng nhớ và quan trọng nhất bởi tâm nguyện thiêng liêng và sâu nặng với sự nghiệp "trồng người" của mình khi các học trò của mình đã thành danh, trong đó có ca sĩ Ái Vân, nhạc sĩ Quốc Trung. Cuộc trò chuyện, chia sẻ về sự nghiệp "trồng người" đã được chúng tôi ghi lại.
Thầy Phúc với những tấm huy chương môn bóng bàn
- Nghe những chia sẻ từ con trai thầy, anh ấy rất ngưỡng mộ người cha của mình. Và thật hạnh phúc khi có người nối nghiệp. Vậy quá trình theo đuổi ngành giáo dục của thầy đã cống hiến bao nhiêu năm trong cuộc đời? Và thầy có nhớ những học trò của mình giờ đã thành danh?
Tôi tham gia vào công tác giảng dạy tính đủ ngày, đủ tháng là 32 năm 11 tháng. Tôi rất vui khi các thế hệ học trò của mình giờ đã thành danh. Trong số ấy có những người trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ: Ái Vân, nhạc sĩ Quốc Trung.
- Nhìn tuổi đời của thầy, thực sự ngưỡng mộ và rất mong muốn thầy chia sẻ bí quyết sống vui, sống khoẻ, sống có ích. Lịch trình một ngày của thầy thế nào?
Tôi thức dậy lúc 5h30 sáng, tập thể dục,ăn sáng, uống cà phê, nghe nhạc, đặc biệt thường nghe nhạc Pháp, nhạc thính phòng, opera và bolero. Để khỏe và minh mẫn, tôi có một bí quyết từ hồi trẻ đó là chăm chỉ chơi thể thao.
- Nói đến thể thao, quan sát thấy trong nhà thầy có những chiếc huy chương, thầy có thể chia sẻ về những thành tích của mình?
Năm 1963, tôi thi đấu giải bóng bàn ‘Các cây vợt xuất sắc toàn miền Bắc’ được tổ chức tại Thành phố Hoa Phượng Đỏ, và giành Giải Nhì đôi nam. Đến năm 1985, tôi đi thi đấu ‘Giải bóng bàn ngành giáo dục toàn thành phố Hà Nội’ được tổ chức tại Nhà Thi Đấu 10-10. Đội của tôi lọt vào chung kết và giành Giải Nhất Đồng Đội mà tôi là cây vợt tiên phong, hạ gục thuyết phục tay vợt tên Trung (tốt nghiệp Thể Dục thể thao Từ Sơn) trong một trận đấu kịch tính, nghẹt thở. Năm đó, tờ báo Hà Nội Mới đã có bài viết vinh danh Thầy Giáo, cây vợt cao tuổi Trần Phúc (57 tuổi), đại diện ngành giáo dục quận Hoàn Kiếm, giành chức vô địch một cách thuyết phục, xuất sắc với cây vợt gai huyền thoại, làm rạng danh ngôi Trường PTCS Lý Tự Trọng (Hà Nội).
- Nhìn lại chặng đường của thầy đã đi qua, thầy có luyến tiếc? Và phải chăng đi qua những ngày gian khó, thầy thêm yêu nghề vì đã chọn mình?
"Cuộc đời tôi là một đường thẳng tắp, tất cả công việc tôi làm đều không luyến tiếc. Đó không đơn thuần là tình yêu, đó còn cả trách nhiệm, sứ mệnh của tôi. Tôi đã đi qua những khó khăn những gian khổ vẫn sống trọn với đam mê. Tôi luôn mỉm cười trước thành quả đạt được sau nhiều khó khăn, gian khổ đã vượt qua. Và càng thêm tự hào vì đã lựa chọn trở thành một nhà giáo, tryền tri thức và khát khao cuộc sống tươi đẹp hơn cho thế hệ trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!