Nhiều người giặt tất bằng máy thường phàn nàn rằng sau khi phơi khô họ vẫn luôn cảm thấy tất có mùi hôi khó chịu. Có thể bạn đã không giặt đúng cách.
Đầu tiên nên lật ngược tất để giặt sạch và giảm mùi hôi. Chất liệu bên trong và bên ngoài của tất hoàn toàn khác nhau. Lớp ngoài chủ yếu được làm từ sợi tự nhiên có độ thoáng khí tốt hơn, còn lớp bên trong được làm từ sợi hóa học có độ đàn hồi tốt hơn. Khi chúng ta đi tất thì có mồ hôi, bã nhờn, da chân bong tróc đọng lại mặt trong của tất. Nếu không được giặt sạch đúng cách thì đây là ổ của vi sinh vật như vi khuẩn, nấm mốc gây ra mùi hôi. Nếu tất đi lâu ngày không giặt sạch thì có thể gây nhiễm trùng và nấm chân.
Vì thế tất cần được giặt sạch cả hai mặt trong và mặt ngoài. Nếu như giặt phần bên ngoài làm cho tất sạch bụi bẩn bám vào thì giặt phần bên trong của tất sẽ loại bỏ được vết mồ hôi, bã nhờn, da chân. Theo nghiên cứu, lượng chất bẩn còn sót lại trên những chiếc tất không được lật ngược lại để giặt gấp ba lần so với tất được giặt cả hai mặt.
Ngoài ra nếu tất chỉ được giặt ở bên ngoài trong thời gian dài và dùng nhiều vật dụng chà sát với mong muốn để loại bỏ mùi hôi thì sẽ làm mất độ đàn hồi của tất và dễ phai màu.
Những dung dịch giúp loại bỏ mùi hôi của tất hữu hiệu là giấm trắng, muối ăn... Số lượng bột giặt dùng để giặt tất cũng nên vừa đủ để tránh gây cặn đọng lại. Ngoài ra bạn cũng không nên giặt chung tất với quần áo thông thường để tránh mùi hôi, vi khuẩn trên tất lan sang tuần áo khác.
Khi phơi tất, tốt hơn hết bạn nên lật chúng lại và phơi lớp bên trong ra phía ngoài. Nên phơi tất hoặc sấy khô càng sớm càng tốt để ngăn sự phát triển của vi khuẩn và mùi hôi do môi trường ẩm ướt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!