Mì đã trở thành ngành kinh doanh trị giá triệu đô tại Hong Kong, Trung Quốc trong hàng thập kỷ qua. Đây cũng là món ăn phản ánh lịch sử của mảnh đất này. Nó có sự pha trộn của thói quen ẩm thực phương Đông và phương Tây.
Trong những năm 1950, những bát mì nóng hổi của Hong Kong được ăn kèm phomat hay cà chua đóng hộp. Sang đến những năm 2000, nguyên liệu trong một bát mì Hong Kong càng thêm phong phú. Tuy nhiên, có một thứ không thay đổi và có những con người đang cố gắng để gìn giữ điều đó là kỹ thuật nhào bột mì theo kiểu truyền thống của Hong Kong, bí quyết để làm nên những sợi mì tươi ngon.
Ông Lau Fat-cheong và công việc làm mì tươi quen thuộc mỗi ngày. Ảnh: SCMP
Ông Lau Fat-cheong là một trong những thợ làm mì theo kiểu truyền thống cuối cùng ở Hong Kong, Trung Quốc. Ông thường chuẩn bị mì tươi phục vụ mỗi ngày cho 3 nhà hàng của mình tại những khu vực trung tâm thành phố. Ông làm việc này từ khi mới 11 tuổi và đến nay đã được hơn 30 năm.
Mỗi ngày, chuỗi nhà hàng của ông Lau phục vụ hơn 500 bát mì trứng tươi với giá 4,5 HKD. Đây là món được yêu thích nhất của nhà hàng, ăn kèm với bánh bao nhân hải sản hoặc tôm sú khô, những món ăn gợi nhớ quá khứ Hong Kong từng được xây lên từ một làng chài nhỏ bé.
Thật khó để giải thích tại sao món mì ở đây lại ngon hơn. Nó dai hơn, nhẹ hơn, thơm hơn. Và đặc biệt là tươi ngon, hơn hẳn những nơi khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mì Hong Kong đang đứng trước sức ép lớn. Thương hiệu mì nổi tiếng của vùng lãnh thổ này là Vạn Niên đã được bán cho nhà điều hành Toridoll của Nhật Bản với giá 1 tỷ HKD.
Có thể những doanh nghiệp mì tư nhân như của ông Lau vẫn sẽ tồn tại bởi cảm giác hoài cổ mà nó đem lại. Điều mà ông Lau lo lắng nhất hiện nay là không có thế hệ tiếp nối, bởi có nhiều công việc hấp dẫn với giới trẻ hơn là phần việc có phần nặng nhọc lại tẻ nhạt như làm ra những sợi mì.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!