Gần 55% người cao tuổi chưa có lương hưu và tích lũy khi về già

P.V (tổng hợp)-Thứ ba, ngày 14/12/2021 19:40 GMT+7

Toàn cảnh Hội thảo

VTV.vn - Vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong khi nhận thức của người dân về việc chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ còn hạn chế.

Hôm nay (14/12), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Viện KHLĐ&XH) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential (Prudential) phối hợp tổ chức Hội thảo kỹ thuật tham vấn về kết quả của nghiên cứu “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” và “An sinh xã hội cho người cao tuổi” trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam. Đây là các nghiên cứu do Viện KHLĐ&XH và Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ của Prudential.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp nhằm nâng cao ý thức chuẩn bị cho tuổi già và đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số nhanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, nghiên cứu "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" cung cấp số liệu mang tính đại diện quốc gia cho nhóm dân số trong độ tuổi 30-44 ở Việt Nam về việc họ chuẩn bị cho tuổi già độc lập như thế nào. Nghiên cứu được thực hiện trên 2.019 đối tượng từ 30 đến đủ 44 tuổi, tại 6 tỉnh thành phố thuộc các vùng kinh tế đại diện phạm vi quốc gia trong tháng 9 và 10/2021.

Thông tin tại Hội thảo cho thấy, đến nay, mới có khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu và các khoản trợ cấp.. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về việc chuẩn bị tuổi già từ khi còn trẻ còn rất hạn chế, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta cũng còn nhiều thách thức.

Vì vậy, sự chuẩn bị cho nhóm dân số trở thành người cao tuổi trong 20-30 năm nữa là rất cần thiết để góp phần cải thiện sự chuẩn bị về tài chính, sức khỏe thể chất, và tinh thần, chuẩn bị cho một cuộc sống độc lập, năng động cho thế hệ sắp về hưu và người cao tuổi tại Việt Nam.

Theo ông Phương Tiến Minh, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam: "Vấn đề già hóa dân số tại Việt Nam sẽ diễn ra sớm, do vậy cần có chính sách để đảm bảo già hóa dân số không phải là gánh nặng. Thực tế hầu hết người già đều muốn có tuổi già độc lập, độc lập về tài chính, độc lập về sức khỏe, độc lập về mặt tinh thần, những mối quan hệ trong gia đình và xã hội, tuy nhiên để có điều đó thì chúng ta phải có sự chuẩn bị ngay từ khi còn trẻ". Ông Minh cũng cho rằng tư duy phụ thuộc vào con cái khi về già không còn phổ biến nữa, vì vậy đối với thế hệ vàng hiện nay từ 30 – 44 tuổi các doanh nghiệp bắt đầu đưa ra các chương trình truyền thông và những việc  mang tính chất giúp người trẻ có sự chuẩn bị từ bây giờ.

Gần 55% người cao tuổi chưa có lương hưu và tích lũy khi về già - Ảnh 1.

Đại biểu tại Hội thảo chia sẻ “Già hóa dân số” nếu được chuẩn bị tốt thì không phải là thách thức mà sẽ trở thành cơ hội cho xã hội.

PGS.TS. Giang Thanh Long đã đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ những phân tích toàn diện và chi tiết, đưa ra các khuyến nghị quan trọng để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ y tế phù hợp; phát triển các dịch vụ và hoạt động chăm sóc người cao tuổi trong thời gian tới. Ông cũng khuyến nghị thêm, cần tăng cường hệ thống bảo hiểm y tế, bởi một trong những rào cản hiện nay là mức độ bao phủ về chi phí của bảo hiểm y tế còn hạn chế, chi tiêu từ tiền túi còn khá lớn cho khám chữa bệnh.

Thực tế, các nguồn thu nhập chủ yếu của người cao tuổi hiện nay vẫn là đến từ nguồn hỗ trợ của con cái và công việc họ tự tạo ra, còn sự hỗ trợ của Nhà nước, lương hưu, tiền tiết kiệm hay các nguồn trợ giúp khác còn rất hạn chế. Vì vậy, nếu không có con cái hỗ trợ và không còn đủ sức khỏe để làm việc thì sẽ có rất nhiều người cao tuổi rơi vào tình trạng nghèo đói, tỷ lệ này hiện nay ở người cao tuổi khoảng 7,11%, đồng thời có 25% người cao tuổi rơi vào trình trạng nghèo đa chiều, nghĩa là ngoài thu nhập ra họ chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt những người cao tuổi ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn dễ bị tổn thương với nghèo hơn ở khu vực khác.

Theo bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HelpAge International: Việt Nam là quốc gia già hóa dân số rất nhanh. Do vậy người cao tuổi sẽ đóng vai trò ngày càng tăng trong xã hội già hóa, do vậy chúng ta cần tạo mọi điều kiện để người cao tuổi tiếp tục tham gia vào đời sống kinh tế - xã hội để họ phát huy được vai trò, thế mạnh ví dụ thông qua chính sách về việc làm, nâng cao vai trò của người cao tuổi trong việc chuyển giao những tri thức, kỹ năng cho thế hệ trẻ.

Các chuyên gia đề xuất cần phải có một hệ thống giải pháp chính sách toàn diện hướng đến tất cả các nhóm dân số để chuẩn bị cho xã hội già hóa trong tương lai không xa. Theo ước tính vào năm 2050, Việt Nam sẽ có gần 22 triệu người từ 65 tuổi trở lên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước