Nối tiếp ngay sau “siêu trăng” của tháng 4, người yêu mến thiên văn lại có cơ hội chiêm ngưỡng một sự kiện mãn nhãn tương tự vào cuối tháng 5 này. Diễn ra vào ngày 26/5, đây sẽ là pha trăng tròn cực kỳ đặc biệt. Với tên gọi “siêu trăng máu”, người xem sẽ quan sát được trăng tròn sáng và lớn nhất năm 2021 diễn ra cùng lúc với nguyệt thực toàn phần.
Năm nay, trăng tròn tháng 5 được nhắc đến với một cái tên rất đặc biệt là “Siêu trăng máu”. Lý do là bởi trăng tròn của tháng này trùng với nguyệt thực toàn phần. Khi đi qua bóng của Trái đất, Mặt trăng sẽ chuyển sang màu gỉ sét, trông giống với màu đỏ máu. Màu sắc này sẽ được nhìn thấy rõ nhất từ Vành đai Thái Bình Dương, bờ biển phía tây khu vực Bắc Mỹ, bờ biển phía đông của châu Á, nửa phía đông của Úc và toàn bộ New Zealand.
Đối với người quan sát bầu trời đêm tại Việt Nam, "siêu trăng máu" sẽ bắt đầu xuất hiện từ thời điểm 18 giờ 17 phút ngày 26/5, đạt cực đại lúc 18 giờ 18 phút, sau đó kết thúc vào lúc 20 giờ 49 phút. Như vậy, tổng thời gian diễn ra hiện tượng này là 2 giờ 42 phút, khá dài để những người quan tâm có thể thoải mái chiêm ngưỡng. Sự kiện này rất có thể cũng sẽ được trình chiếu trực tiếp bởi các đài quan sát trên thế giới.
Nếu không kịp sắp xếp để ngắm nhìn “siêu trăng máu” ấn tượng của tháng 5, những người yêu thiên văn có thể chờ đón một dịp trăng tròn ấn tượng khác vào tháng 6. Kỳ trăng tròn này mang tên “Trăng Dâu”, sẽ diễn ra vào ngày 24/6.
“Siêu trăng” xảy ra khi trăng tròn nằm tại một điểm trên quỹ đạo gần Trái đất. Tháng 5 này là lần thứ 3 trong số 4 “siêu trăng” của cả năm 2021. Đây là dịp “siêu trăng” ấn tượng hơn cả, bởi đó là lúc trăng tròn ở gần Trái đất nhất. Mặt trăng sẽ lớn hơn khoảng 7% và sáng hơn 15% so với thông thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!