Huyền Trân công chúa là ái nữ của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Hoàng hậu. Hơn 700 năm trước, thực hiện lời hứa hôn của vua cha Trần Nhân Tông, Huyền Trân công chúa đã gạt tình riêng để sang Chiêm Thành, nên duyên với nhà vua Chế Mân và trở thành Hoàng hậu Paramesvari. Món quà sính lễ mà Vua Chiêm dâng lên nhạc phụ Trần Nhân Tông là hai châu Ô, đó là châu Lý - vùng đất từ bờ nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 700 năm vùng đất An Tây, tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm văn hóa Huyền Trân đã được khởi công xây dựng nhằm tưởng nhớ công ơn của công chúa đã có công trong việc mở mang bờ cõi nước Việt.
Trung tâm nằm cách Tp.Huế khoảng 7km về phía tây, nơi đây có tổng diện tích rộng hơn 28ha. Đây không chỉ là điểm du lịch về văn hoá, tâm linh, đây còn là một điểm du lịch lịch sử, đưa khách tham quan trở về với một sự kiện lịch sử trọng đại trong công việc bảo vệ và mở rộng bờ cõi của đất nước ta vào thời Trần thế kỷ 14.
Từ phía ngoài đi vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có đặt nghê đá phục chầu, hồ nước và cây cầu nhỏ bắc qua tương tự như cây cầu Trung Đạo được bắc qua hồ Thái Dịch trước điện Thái Hòa trong kinh thành Huế, tiếp đến là khu vực tam quan và trong cùng là đền thờ Huyền Trân công chúa.
Bên cạnh đó, để tưởng nhớ vị sư tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm - Vua Trần Nhân Tông, trung tâm đã tiến hành xây dựng hoàn chỉnh để nơi này trở thành một khu du lịch văn hoá tâm linh, một địa chỉ du lịch Thiền của quốc gia. Các nghệ nhân nơi đây đã khéo léo tạc đôi rồng chầu trước điện thờ vua Trần Nhân Tông để tưởng nhớ công lao của ông. Đôi rồng chầu được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam với chiều dài 108 mét, tương đương với chiều cao của ngọn núi Ngũ Phong.
Nơi đây với kiến trúc mang đậm màu sắc văn hóa, tâm linh, lịch sử đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng tại Huế mang đậm chất tâm linh thông qua những hình ảnh gắn liền với Phật giáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!