Cụ ông Phạm Văn Hợp năm nay 96 tuổi, còn vợ ông là bà Cao Thị Trì, năm nay vừa tròn 60. Cả hai từng trải qua những cuộc hôn nhân lỡ làng, thương cảm hoàn cảnh neo đơn, ông bà quyết định đến với nhau khi cụ Hợp đã 70 tuổi còn bà Trì lúc đó chỉ mới ngoài 30.
4 đời vợ, con chung con riêng có đến 12 người, thế nhưng cụ Hợp xót xa cho biết chẳng nhờ được ai. Ông thú nhận, bản thân đi thêm bước nữa nên con cái cùng những người vợ trước cũng lạnh nhạt dần.
Chính vì vậy ở cái tuổi của bà Trì, cụ Hợp, đáng ra đã là lúc họ phải được nghỉ ngơi, thế nhưng ông bà ngày ngày vẫn cùng nhau rong ruổi, nương nhau trên chiếc xe đẩy bán gỏi khô bò để kiếm sống. Câu nói "Tôi không mệt cô ơi!" của bà Trì càng khiến người nghe chạnh lòng.
Tuổi cao sức yếu nên bình thường cụ Hợp chỉ ngồi trên xe, bà Trì một tay đẩy xe gỏi khô bò, tay kia cầm kéo gõ rao bán. Nhưng mấy năm gần đây, thỉnh thoảng bà Trì bị đau khớp là cụ Hợp lại tự đạp xe gỏi khô bò để vợ đẩy nhẹ hơn một chút. Bà cho biết: "Khi khoẻ tôi không để ông ấy làm gì. Nhưng thỉnh thoảng đau khớp, tôi nói "Ông ơi tôi mỏi tay" thì ông ấy đạp xe phụ tôi. Tôi hỏi ông có mệt không, ông ấy bảo không. Ông ấy già thế rồi, nhiều lúc tôi muốn để ông ấy ở nhà để đi bán một mình nhưng lại lo. Cho ông đi cùng tôi cũng cực hơn nhưng ông vui, tôi vui".
96 tuổi nhưng cụ Hợp vẫn còn khá minh mẫn, ông kể thêm, vợ chồng thường đạp xe đi bán từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối mới về. Ngồi nhiều giờ trên xe như vậy, bà Trì cũng phải khen ông quá giỏi vì bà chỉ ngồi ghế 2 tiếng đã nhức lưng chịu không nổi. Còn với ông, chỉ cần đi với bà là ông vui, vợ chồng có nhau, tuy hai mà như một.
"Bây giờ hai vợ chồng sống với nhau, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít. Tôi muốn ăn cái gì thì nói với bà, bà muốn ăn gì thì nói với tôi. Vậy thôi! Như vậy là tôi hạnh phúc lắm rồi. Lắm cô cậu thanh niên hay nói với tôi "con ước gì được như ông bà", ông cười đầy tự hào, rồi hào sảng kể lại "chiến tích" có thêm quý tử năm 76 tuổi, khiến bà Trì ngại ngùng vì lúc đó "già còn vào bệnh viện sinh nở".
Lắng nghe câu chuyện cảm động nhưng cũng hết sức dễ thương của cụ Hợp và bà Trì, Ốc Thanh Vân rưng rưng nước mắt, cảm phục tình cảm ông bà dành cho nhau. Chị cũng khẳng định, tình yêu đôi khi chỉ đơn giản như vậy, khi đã thương, đã hiểu, đã cảm thông thì bất cứ điều gì cũng có thể cố gắng vì người còn lại. Chị hy vọng câu chuyện bình dị tuy có phần kỳ lạ nhưng sẽ truyền cảm hứng cho mọi người thấy rằng cuộc sống vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp và những điều thân thương nhất luôn là những điều nhỏ nhặt nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!