Cảnh giác với bẫy lừa đảo tâm linh, hoạt động mê tín trên mạng

Linh Chi, Minh Trang, Quang Lâm-Thứ hai, ngày 29/01/2024 16:13 GMT+7

VTV.vn - Xem bói tình duyên; bùa ngải, trừ tà, giải vong; Di cung hoán số; cầu siêu online… vô số hiện tượng mê tín dị đoan "trực tuyến" đang bùng phát, nhất là thời điểm cận Tết.

Mê tín dị đoan là khái niệm chỉ việc đặt niềm tin vào những điều mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên, không có cơ sở khoa học (như là tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép, thỉnh bùa cầu may…). Nhất là thời điểm chuẩn bị đón Tết âm lịch như hiện nay, nhiều người có tâm lý tiễn trừ vận xui của năm cũ, cầu vận may trong năm mới sắp đến, thì cũng là lúc các dịch vụ tâm linh trực tuyến bùng phát. Không ít người đã tự biến mình thành nạn nhân của những trò lừa đảo tâm linh trên mạng, chỉ vì tin theo những lời bói toán nhảm nhí vô căn cứ, dẫn đến những hậu quả xấu cho bản thân và gia đình, mất thời gian, tiền của, mua về sự lo lắng, hoang mang.

Cảnh giác với bẫy lừa đảo tâm linh, hoạt động mê tín trên mạng - Ảnh 1.

"Nếu có các dấu hiệu này, cẩn thận bạn đang bị vong âm theo. Bạn có biết dấu hiệu bị vong âm theo chưa? Nhận xem bói online dự đoán tương lai vận hạn. Xăm hình phép, xăm nốt ruồi để thu hút tiền tài, quyền lực, tình yêu. Cải mệnh, hoán số để vợ chồng không còn lục đục…". Không khó để tìm thấy những dịch vụ tâm linh như thế này trên mạng xã hội. Những người tự xưng là thầy, là cô, là cậu đưa ra nhiều nhận định hết sức vô lý. Nhiều người đã bị lừa đảo vì tin theo những dịch vụ tâm linh online

Cảnh giác với bẫy lừa đảo tâm linh, hoạt động mê tín trên mạng - Ảnh 2.

Đối tượng lừa đảo

Một nạn nhân của dịch vụ tâm linh online cho biết: "Lúc đầu, người tự xưng là thầy hỏi tên tuổi ngày sinh. Sau đó bảo em làm lễ. Cái vòng gỗ và 2 đồng xu phí là 500 cả tiền ship. Còn 1,5 triệu để sắm lễ thì cũng chuyển khoản cho thầy"… Tại cơ quan công an, đối tượng chủ mưu khai nhận đã học được ngón nghề từ 1 số đối tượng trở về từ Campuchia. Sau đó mua máy tính và tuyển dụng gần 20 đối tượng, chủ yếu đang là học sinh, sinh viên cùng tham gia ổ nhóm. Cũng theo đối tượng, người bị lừa ít thì vài trăm, nhiều thì vài triệu. Người trong nhóm ai tìm được càng nhiều khách hàng, thì đối tượng cắt lại hoa hồng càng cao.

Thượng tá Mai Anh Tiến - Trưởng Công an huyện Như Xuân, Thanh Hóa cho biết: "Vẫn là thủ đoạn tự quảng cáo, giới thiệu bản thân là các thầy tử vi, tướng số, các cô, các cậu có khả năng xử lý về phần "âm", để lấy được lòng tin của những người mê tín. Nhưng trong chuyên án này, các đối tượng buôn thần bán thánh đã tinh vi hơn khi lợi dụng công nghệ cao, lợi dụng mạng xã hội để mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động. Để qua đó chúng có thể tiếp cận và dẫn dụ số lượng nạn nhân sập bẫy lên tới cả nghìn người".

Cảnh giác với bẫy lừa đảo tâm linh, hoạt động mê tín trên mạng - Ảnh 3.

Gần đây nhất , công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện, bắt giữ và khởi tố nhóm 8 đối tượng giả làm thầy cúng trên mạng.  Với thủ đoạn lập tài khoản Facebook, Zalo với tên " thầy Thế", đăng bài viết có khả năng làm lễ giải hạn, cầu tài lộc. Tư vấn người dùng mua "lá bùa" cầu tài lộc, yêu cầu chuyển khoản để thuê làm lễ và đặt dâng tiền lễ giữ lộc. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng không thực hiện theo yêu cầu mà chặn mọi liên lạc, với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản...  Trong thời gian ngắn, nhóm đối tượng này đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Đáng buồn, đây đều là sinh viên của nhiều trường đại học.

Năm hết Tết đến, mùa lễ hội đang tới gần, cũng được xem là "mùa làm ăn" của những người tự xưng là là thầy, là cô, là cậu, nhân danh Thánh thần để dẫn dụ niềm tin của người khác hòng trục lợi.  Trong công văn của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch ban hành về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động Văn hóa và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024 có ghi rõ: "Xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan". Tuy nhiên, những hành vi đó có thể không diễn ra trực tiếp tại lễ hội, mà các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan chỉ mượn lễ hội để livestream, thì lại là một câu chuyện khác. Khi hoạt động ngoài đời thực ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ, dễ bị các cơ quan chức năng khoanh vùng và triệt phá, thì việc các đối tượng chuyển sang hành nghề trực tuyến khó quản lý hơn rất nhiều.

Cảnh giác với bẫy lừa đảo tâm linh, hoạt động mê tín trên mạng - Ảnh 4.

Niềm tin tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng, như hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội. Nhưng không thể để các đối tượng dẫn dắt sa vào các thủ đoạn mê tín dị đoan... Tràn lan các đối tượng tâm linh sẽ gây nhiễu loạn xã hội, méo mó các giá trị chân - thiện - mỹ, hướng thiện...

Niềm tin là điểm tựa để mỗi chúng ta có sự an tâm, vững tin hơn trong công việc và cuộc sống, chứ không phải nơi bám víu, cầu may. Không có một lá bùa hay một phép giải nào có đủ sức mạnh làm thay đổi vận mệnh của một người nếu như chúng ta không nỗ lực phấn đấu, không cố gắng thay đổi mà chỉ dựa dẫm, trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, mê muội tin vào những thứ tốt lễ dễ kêu, hơn nữa lại còn mù quáng mất thời gian, tiền bạc cho những đối tượng trên không gian ảo

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước