Cận thị: Bệnh lý hay xu hướng?

Ngọc Linh-Thứ hai, ngày 11/07/2022 19:08 GMT+7

Hình minh họa

VTV.vn - "Bị cận không quá tệ", "Em thấy mình đeo kính rất đẹp"... là ý kiến bất ngờ của một số bạn trẻ thể hiện rõ sự bàng quan, cũng như "thích thú" khi bị bệnh cận thị.

Bệnh cận thị và hậu quả khôn lường

Cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất, người bị cận thường chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng khó khăn khi nhìn vật ở xa. Do hình ảnh quan sát được hội tụ trước võng mạc, vì vậy khi người cận thị nhìn vật ở xa thường phải nheo mắt.

Khi bị cận thị, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi quan sát các vật ở xa. Các dấu hiệu và triệu chứng khác của cận thị gồm: nhìn mờ khi nhìn vào vật thể ở xa; thường xuyên nheo mắt; nhức đầu do mỏi mắt; khó nhìn thấy vào ban đêm. Đặc biệt ở các bạn trẻ, cận thị có thể được phát hiện sớm ở lứa tuổi học sinh (cận thị học đường hay cận thị bẩm sinh).

Cận thị: Bệnh lý hay xu hướng? - Ảnh 1.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2017, cả nước ta có gần 5 triệu trẻ em cũng như thanh thiếu niên mắc tật khúc xạ, trong số đó, những bạn bị cận thị chiếm tới hơn 40% và tập trung chủ yếu ở thành thị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tật cận thị, ví dụ như việc học tập và sinh hoạt thiếu hợp lý, cường độ học tập ngày càng dày đặc cùng với môi trường ánh sáng không đảm bảo.

Tiếp đó, với thời đại mà công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc sử dụng các thiết bị điện tử với tần suất dày đặc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn bệnh. Điều này dẫn đến nguy cơ suy giảm thị lực và cận thị cao, đặc biệt là lứa tuổi 7-9 tuổi và 12–14 tuổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%. Trong khi đó, theo thống kê tại Việt Nam, trung bình mỗi người hiện sử dụng màn hình các thiết bị điện tử một ngày gần 10 giờ (dùng máy tính bảng 5 giờ 10 phút, điện thoại 2 giờ 40 phút, xem ti vi 2 giờ). Việc xem các thiết bị điện tử vượt gấp nhiều lần chuẩn cho phép được cho là nguyên nhân khiến tỉ lệ bị bệnh về tật khúc xạ học đường tăng cao tại Việt Nam.

Đã gọi là bệnh, ắt hẳn sẽ dẫn đến nhiều di chứng, cũng như hậu quả khôn lường. Cận thị để nặng sẽ dẫn đến nhược thị, bong võng mạc dịch kính.. và để nặng hơn nữa có thể dẫn đến mù lòa, cần phải phẫu thuật. Tưởng chừng là căn bệnh phổ biến, ai cũng mắc nên giới trẻ nói riêng và chúng ta đã vô tình coi nhẹ căn bệnh này.

Bệnh, không phải thời trang!

Cận thị là một căn bệnh phổ biến, khó chữa trị dứt điểm cũng như tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm nếu để bệnh tình chuyển biến nặng. Tuy vậy nhiều bạn trẻ thể hiện rõ sự bàng quan, cũng như "thích thú" khi bị cận.

"Em thấy bị cận không quá tệ ạ, cá nhân em thấy mình đeo kính rất đẹp ạ. Hồi trước em không cận đâu ạ, nhưng mà cũng không giữ gìn nên giờ bị, nhưng mà cũng thích đeo kính nên thấy không sao ạ…" - đây là câu trả lời của bạn Vy, học sinh lớp 11 trường THPT Trần Phú, sau khi được hỏi về bệnh cận thị.

Nhiều bạn trẻ cảm thấy việc đeo kính cận vô cùng thời trang và thanh lịch. Ngày nay trên thị trường có rất nhiều mẫu kính thời trang, phù hợp cho cả những người không bị cận sử dụng. Tuy nhiên, các bạn trẻ này lại thể hiện sự bất cẩn với chính sức khỏe của mình khi "cố tình" làm cho mình bị cận để được đeo kính mỗi ngày.

"Nhiều khi em không nhìn thấy chữ trên bảng, nên em hay mượn kính bạn ạ. Xong em đi khám thì thấy mình bị cận lúc nào không hay" - một bạn học sinh nói.

Tự ý đeo kính không khớp với số độ của mắt cũng khiến cho mắt bị kích thích, tự chỉnh độ để nhìn rõ theo độ của kính cận.

Khép lại vấn đề này, các bạn trẻ cần biết chăm sóc bản thân, cũng như nắm rõ những kiến thức cần thiết về việc cận thị. Ở đây, chúng ta cần làm rõ bệnh cận thị và xu hướng thời trang mắt kính. Việc yêu thích đeo kính là không hề xấu, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta biến bản thân "không cận thành cận".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước