Sự lộn xộn, bừa bãi mang đến nhiều phiền toán, khiến cho khi cần dọn dẹp, công việc này dễ trở nên quá tải, mệt mỏi. Một số gợi ý đơn giản để trở nên ngăn nắp, gọn gàng.
- Dọn giường: Công việc rất đơn giản, chỉ mất ít thời gian nhưng có tác dụng đáng kể trong việc rèn thói quen gọn gàng ngay khi khởi đầu ngày mới. Gấp chăn, xếp lại gối, chỉnh ga trải giường cho thẳng... đây là những điều nên trở thành thói quen hàng ngày, kể cả với trẻ em. Phòng ngủ gọn gàng mang đến những cảm hứng tích cực và thường được xem là một trong những tiêu chuẩn cho sự ngăn nắp.
- Tạo một khu vực riêng, thuận tiện cho những món đồ mang theo thường ngày như chìa khóa, mắt kính, ví tiền... để tránh việc phải chạy khắp nơi tìm kiếm đồ thất lạc gây mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ, lịch hẹn.
- Những lời nhắc việc trên các tờ ghi chú dán trên tủ lạnh hay các vị trí dễ quan sát trong nhà rất có tác dụng tuy nhiên cách làm này tạo cảm giác hơi tùy hứng và lộn xộn. Bạn có thể thử thay đổi bằng việc ghi chú trên tấm bảng có thể viết và xóa một cách dễ dàng, sạch sẽ.
Không gian ngăn nắp có thể được tạo lập bằng những hành động đơn giản hàng ngày (Ảnh: Ryan Bent)
- Cất và xếp gọn những món đồ vừa được mua về hoặc trả đồ dùng về chỗ vừa được lấy ra ngay sau khi sử dụng. Việc làm này chỉ mất rất ít thời gian nhưng góp phần tạo nên những khoảng không gian trống gọn gàng cho mặt bếp, sàn nhà, bàn làm việc.
- Thường xuyên "lọc" đồ đạc để bỏ đi những thứ không cần thiết, quá hạn sử dụng, không phù hợp. Việc mua sắm ngày nay quá đơn giản, thuận tiện với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn khiến không ít người có xu hướng mang về rất nhiều thứ được mua chỉ vì thấy rẻ, thấy hay hay mà giá trị sử dụng thực tế không đáng kể. Hãy cân nhắc trước khi mua sắm, đừng chỉ nhìn vào giá tiền, kiểm soát thói quen đặt hàng thoải mái để bớt chồng chất trong tủ đồ hàng loạt món hàng "vô tri".
Quần áo, đồ dùng cũ vẫn còn tốt nên được trao đổi, gửi tới các địa chỉ từ thiện, nơi giúp cho đồ đạc có thêm vòng đời mới, hoặc tới được với những người đang thực sự cần. Đồ dùng, đồ ăn, thức uống nên được kiểm tra thường xuyên hạn sử dụng để kịp thời loại bỏ những nguy cơ có hại cho sức khỏe. Tủ lạnh cũng là nơi nên được dọn dẹp thường xuyên để có không gian cho những món đồ ăn tươi, mới.
- Dành khoảng thời gian tập trung làm một số công việc nào đó có thể giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả cho việc tổ chức thời gian biểu. Chẳng hạn dành nửa giờ để kiểm tra, trả lời các email, tin nhắn. Tương tự với nấu ăn, hãy thử lên kế hoạch và chọn lựa khung thời gian phù hợp để chuẩn bị, sơ chế, nấu nướng, bảo quản cho nhiều ngày, qua đó sẽ tiết kiệm thời gian hơn, đỡ mệt mỏi hơn với việc ngày nào cũng phải tất bật làm đồ ăn và dọn dẹp khu vực bếp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!