Biến đổi khí hậu và mối liên quan với các siêu bão

Hương Huyền (tổng hợp)-Thứ hai, ngày 28/10/2024 19:12 GMT+7

Nơi bão Helene đi qua (Ảnh: AFP)

VTV.vn - Sự ấm lên của đại dương do biến đổi khí hậu đang góp phần khiến các cơn bão mạnh lên nhanh hơn, hình thành những siêu bão có sức tàn phá lớn.

Theo các nhà khoa học, Yagi vốn là một cơn bão nhiệt đới với sức gió tối đa 90km/h nhưng đã nhanh chóng mạnh lên với sức gió lên tới gần 240km/h - tương đương với bão cấp 4 ở Đại Tây Dương nhờ điều kiện thuận lợi là nước biển ấm. Phân tích đường đi của bão, các nhà khoa học phát hiện, nhiệt độ nước biển quanh Philippines trung bình trên 31 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ nước biển từ 29 độ C trở lên có thể cung cấp đủ năng lượng để cơn bão đạt đến sức mạnh tối đa. Yếu tố khác như độ ẩm dồi dào trong khí quyển cũng quan trọng để cơn bão phát triển.

Biến đổi khí hậu đang làm các cơn bão mang nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, theo đó bão có thể trút nhiều nước hơn vào một chỗ. Biến đổi khí hậu cũng có thể làm tăng lượng mưa do cơn bão mang lại.

Thế giới đã ấm lên 1,1 độ C so với mức nhiệt độ trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán: Khi nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, tốc độ gió của bão có thể tăng đến 10%. NOAA cũng dự báo, tỷ lệ bão đạt đến mức dữ dội nhất có thể tăng khoảng 10% trong thế kỷ này.

Biến đổi khí hậu và mối liên quan với các siêu bão  - Ảnh 1.

Cơn bão Helene cuối tháng 9 vừa qua gây ngập lụt nghiêm trọng tại nước Mỹ (Ảnh: AFP)

Tờ Japan Times dẫn một phân tích nhanh của Đại học Hoàng gia London cho thấy, khả năng tàn phá của bão Shanshan đổ bộ vào Nhật Bản hồi cuối tháng 8 vừa qua cao hơn 26% là do biến đổi khí hậu. “Không thể phủ nhận sự nóng lên toàn cầu đã làm tăng nhiệt độ trên bề mặt đại dương và trong biển” - Kosuke Ito, Phó Giáo sư và chuyên gia về thời tiết khắc nghiệt tại Đại học Kyoto và Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) cho biết. “Bão lấy năng lượng từ hơi nước bốc lên từ đại dương ấm. Vì vậy, nhiệt độ bề mặt đại dương càng cao, bão càng mạnh”. Ông cho biết, so với những năm 1980, nhiệt độ bề mặt đại dương đã tăng 1 độ C, lưu ý rằng 1 độ C ấm lên sẽ dẫn đến sự gia tăng 7% về thể tích hơi nước, cũng như làm giảm áp suất trung tâm của cơn bão khoảng 10 hectopascal. Áp suất trung tâm càng thấp, cơn bão càng trở nên dữ dội hơn. Kosuke Ito cho biết, dữ liệu đáng tin cậy trong 40 năm qua không cho thấy bản thân các cơn bão đã trở nên mạnh hơn ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Nhưng rõ ràng là sự nóng lên đã khiến các cơn bão giải phóng nhiều mưa hơn - ông nói thêm.

Còn theo Euronews, với việc một số cơn bão nhiệt đới cực mạnh xuất hiện trong thập kỷ qua, cùng viễn cảnh sẽ còn nhiều siêu bão hơn nữa, các chuyên gia đề xuất một loại bão mới: bão cấp 6, dành cho những cơn bão có sức gió vượt quá 309km/giờ. Thang đo Saffir-Simpson 5 cấp truyền thống, được phát triển cách đây hơn 50 năm, có thể không còn phản ánh hết sức tàn phá thực sự của những cơn bão mạnh nhất.

Biến đổi khí hậu đang khiến những cơn bão tồi tệ nhất trở nên tồi tệ hơn nữa, Michael Wehner, nhà khoa học khí hậu tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkley (California, Mỹ) cho biết.

Một điều đáng chú ý là biến đổi khí hậu có thể không tạo thêm nhiều cơn bão nhưng được cho là có mối quan hệ mật thiết với việc các cơn bão ngày càng dữ dội hơn, hình thành nên các siêu bão với những ảnh hưởng vô cùng lớn đối với đời sống, kinh tế, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về cơ sở hạ tầng, con người và việc phục hồi có thể mất rất nhiều thời gian, công sức...

Theo Earth.org, vào tháng 5 vừa qua, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán, số cơn bão ở Đại Tây Dương năm nay có khả năng sẽ cao hơn bình thường do sự kết hợp giữa mức nhiệt gần kỷ lục ở Đại Tây Dương và sự phát triển của hiện tượng La Niña ở Thái Bình Dương.

NOAA dự đoán có khoảng 17 đến 25 cơn bão được đặt tên trong năm nay, trong đó có 8 đến 13 cơn bão sẽ trở thành cuồng phong; 4 đến 7 cơn bão sẽ trở thành siêu bão. Nếu đúng như vậy, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2024 sẽ là năm thứ chín liên tiếp ghi nhận nhiều bão hơn bình thường.

Trong số 10 cơn bão nhiệt đới xảy ra ở Đại Tây Dương gây thiệt hại lớn nhất thế giới được xếp hạng, đứng đầu là cơn bão Katrina năm 2005. Cơn bão này đã tấn công thành phố New Orleans của Mỹ và các khu vực xung quanh, khiến 1.392 người thiệt mạng. Thiệt hại ước tính là 186,3 tỷ USD. Tiếp theo là cơn bão Harvey năm 2017, gây thiệt hại kinh tế 157 tỷ USD và cơn bão Maria năm 2017, gây thiệt hại 112 tỷ USD.

Ở Thái Bình Dương, cơn bão Doksuri năm 2023 gây thiệt hại hơn 28 tỷ USD, chủ yếu ở Trung Quốc. Tiếp theo là cơn bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản năm 2019, gây thiệt hại 18 tỷ USD.

(Theo Earth.org)

Hơn 210 người thiệt mạng, bão Helene gây thương vong nhiều thứ hai trong nửa thế kỷ Hơn 210 người thiệt mạng, bão Helene gây thương vong nhiều thứ hai trong nửa thế kỷ Siêu bão Dana đổ bộ bờ biển phía Đông Ấn Độ gây ngập lụt, gián đoạn các chuyến bay Siêu bão Dana đổ bộ bờ biển phía Đông Ấn Độ gây ngập lụt, gián đoạn các chuyến bay Biến đổi khí hậu khiến bão Milton tồi tệ hơn Biến đổi khí hậu khiến bão Milton tồi tệ hơn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước