Tình trạng mất ngủ được cho là đạt đỉnh vào năm 2023 - năm nóng nhất trong lịch sử - với mức tăng lên tới con số 6%.
Báo cáo Lancet Countdown thường niên lần thứ 8 về sức khỏe và biến đổi khí hậu, do 122 chuyên gia toàn cầu biên soạn, phát hiện ra rằng nhiệt độ cao, hạn hán và lượng mưa lớn đang ngày càng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ ở những người trên 65 tuổi đạt mức cao nhất từng được ghi nhận, cao hơn 167% vào những năm 1990.
"Đây không chỉ là về các sự kiện thời tiết cực đoan", Jeremy Farrar, nhà khoa học tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mà đó là cách mà biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe của con người. Thực tế cho thấy đã xuất hiện những hội chứng lo âu do các vấn đề về môi trường, khí hậu. WHO cũng có khuyến cáo các nước đưa đánh giá về biến đổi khí hậu vào những chính sách và chương trình về sức khỏe tâm thần, đồng thời ứng dụng cách tiếp cận đa ngành và dựa vào cộng đồng nhằm tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Biến đổi khí hậu, tình trạng nóng lên của Trái đất ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần con người (Ảnh minh họa: Pexels)
Ở nhiều nơi, nhiệt độ ban đêm tăng nhanh hơn nhiệt độ ban ngày. Ngoài việc ảnh hưởng đến giấc ngủ, tình trạng quá nóng vào ban đêm còn làm giảm khả năng làm mát và phục hồi của cơ thể sau cái nóng ban ngày, làm trầm trọng thêm các ca tử vong do nắng nóng, đặc biệt là ở những người vốn có vấn đề về tim và hô hấp.
Sự gia tăng nhiều nhất về tình trạng mất ngủ là ở Trung Đông và Châu Phi cận Sahara. Nhưng ngay cả ở những vùng khí hậu ôn hòa hơn, tình trạng tăng nhiệt vào ban đêm có thể trầm trọng hơn do bê tông hóa các đô thị. Nhu cầu sử dụng điện để làm mát không khí dự kiến sẽ tăng gấp ba vào năm 2050.
Thiếu ngủ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tập trung và chất lượng cuộc sống, đồng thời cũng có thể gây ra những tác động dây chuyền đến các tình trạng sức khỏe khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!