Trung Quốc tiếp tục sứ mệnh khám phá mặt trăng trong năm 2024

Ban Thời sự - TTXVN-Thứ hai, ngày 02/10/2023 06:01 GMT+7

Ảnh minh họa tàu Hằng Nga 5 hạ cánh xuống mặt trăng (Nguồn: CNSA)

VTV.vn - Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) thông báo, dự án sứ mệnh thám hiểm mặt trăng Hằng Nga 6 đang được triển khai theo đúng kế hoạch, dự kiến sẽ phóng trong năm 2024.

Dự kiến, tàu Hằng Nga 6 sẽ hạ cánh ở khu vực có bồn địa Nam Cực-Aitken, một hố va chạm khổng lồ ở mặt phía xa của mặt trăng với đường kính 2.500 km. Sau khi hạ cánh, tàu đổ bộ Hằng Nga 6 có nhiệm vụ khám phá và thu thập các mẫu đất đá từ nhiều khu vực để nâng cao hiểu biết của con người về mặt trăng.

Để đảm bảo liên lạc giữa tàu Hằng Nga 6 sau khi đáp xuống mặt trăng và Trái đất, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh thông tin liên lạc Thước Kiều 2 trong nửa đầu năm 2024.

Cũng theo CNSA, Hằng Nga 6 sẽ mang theo tải trọng và dự án vệ tinh của 4 nước, bao gồm máy dò radon của Pháp, máy dò ion âm của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, gương phản xạ góc laser của Italy và khối lập phương của Pakistan.

Cuộc đua lên mặt trăng của các cường quốc đang trở nên khốc liệt hơn còn bởi kho tài nguyên trên mặt trăng có thể đạt giá trị hơn 1 triệu tỷ USD. Các nhà khoa học phát hiện ra những phân tử Hydroxyl bao gồm hydro và oxy trải rộng trên bề mặt mặt trăng và tập trung ở các cực. Chúng không chỉ quan trọng đối với sự sống của con người mà còn có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa.

Ngoài ra, trên mặt trăng còn có Helium-3. Đây là một đồng vị của Heli rất hiếm trên Trái đất. Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ ước tính, có khoảng 1 triệu tấn Helium-3 trên mặt trăng. Còn theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, đồng vị này có thể cung cấp năng lượng hạt nhân trong lò phản ứng nhiệt hạch và vì nó không phóng xạ nên sẽ không tạo ra chất thải nguy hiểm.

Nghiên cứu của tập đoàn Boeing còn cho biết thêm, các kim loại đất hiếm, được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính và công nghệ tiên tiến, hiện có trên mặt trăng. Ngoài đất hiếm, mặt trăng còn có rất nhiều khoáng chất khác bao gồm bazan, sắt, thạch anh, silicon, bạch kim, palladium, rhodium, titan...

Trong gần 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công lớn trong việc nghiên cứu, thăm dò mặt trăng. Năm 2013, robot Thỏ Ngọc của tàu Hằng Nga 3 hạ cánh xuống mặt trăng, trở thành robot đầu tiên của Trung Quốc làm được điều này. Năm 2018, Trung Quốc phóng tàu Hằng Nga 4, mang theo robot tự hành Thỏ Ngọc 2. Đến năm 2019, Thỏ Ngọc 2 hạ cánh thành công xuống vùng tối của mặt trăng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử làm được điều này. Năm 2020, tàu Hằng Nga 5 đáp xuống mặt trăng và lấy mẫu đất đá mang về Trái đất. Đây là lần đầu tiên sau 44 năm mẫu vật mặt trăng được mang về thành công.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước