Starship là hệ thống phóng, chứng minh tham vọng đưa con người tới sao Hỏa của Elon Musk. Đây là chuyến bay thử nghiệm lần thứ 7 của tên lửa này.
Chuyến bay thử nghiệm được thực hiện vào chiều 16/1 tại cơ sở Starbase của SpaceX ở Boca Chica (bang Texas, Mỹ) nhằm trình diễn khả năng của tên lửa, bao gồm việc mang theo 10 vệ tinh giả lên quỹ đạo.
Trong sự cố, tầng đẩy Super Heavy của Starship đã trở về bệ phóng thành công và được cánh tay cơ khí của tháp phóng bắt lại - một thành tựu trước đó chỉ đạt được một lần. Tuy nhiên, phần tàu vũ trụ của Starship đã gặp sự cố dừng động cơ khi đang lên cao.
Liên lạc bị mất khoảng 8 phút rưỡi sau khi bay, dẫn đến việc Starship bị tách rời không theo kế hoạch một cách nhanh chóng.
Tỷ phú Elon Musk cho biết: "Đánh giá sơ bộ cho thấy, có rò rỉ nhiên liệu oxy lỏng bên trong tên lửa".
Oxy lỏng được sử dụng làm chất oxy hóa trên tàu Starship, giúp các động cơ đốt cháy nhiên liệu là mê tan lỏng. Cả oxy lỏng và mê tan đều là các chất đẩy được động cơ Raptor của Starship sử dụng.
Sự cố xảy ra trong bối cảnh ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân đang cạnh tranh khốc liệt. Cùng ngày, Blue Origin, do ông Jeff Bezos sáng lập, đã phóng tên lửa New Glenn từ Cape Canaveral, bang Florida. Mặc dù tầng trên của tên lửa này đã lên quỹ đạo thành công, nhưng tầng một đã thất bại trong việc hạ cánh trên tàu thu hồi, dẫn đến việc bị phá hủy.
Starship là hệ thống tên lửa cao nhất, lên tới khoảng 121 m và mạnh nhất từng được chế tạo, có khả năng tạo ra lực đẩy gần 8.000 tấn khi phóng, dùng để chở người và hàng hóa.
Mặc dù tên lửa Starship gặp sự cố nhưng tỷ phú Elon Musk tuyên bố chưa có kế hoạch hoãn các lần phóng thử nghiệm tiếp theo, được lên kế hoạch vào tháng sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!