NASA phóng vệ tinh đo CO2 trong khí quyển

Lan Anh-Thứ năm, ngày 03/07/2014 11:23 GMT+7

Ảnh: Thenews.com.pk

Ngày 2/7, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên thực hiện chức năng đo nồng độ carbon dioxide trong khí quyển.

Tên lửa không người lái Delta 2 mang theo vệ tinh đo nồng độ CO2 trong khí quyển (OCO-2) đã được phóng lên hôm nay từ căn cứ không quân Vandenberg ở Carlifornia.

Vệ tinh trị giá 465 triệu USD do Tập đoàn Orbital Sciences Corp chế tạo, với mục đích thu thập hình ảnh về bức tranh phát thải CO2 trên phạm vi toàn cầu cũng như các hiệu ứng hấp thu CO2 ở đại dương và rừng.

Vệ tinh sẽ hoạt động trong quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất 705km và được đặt nghiêng để có thể đi qua cùng 1 điểm trên Trái Đất 16 ngày/lần. Các chuyên gia sẽ sử dụng thông tin do vệ tinh này thu thập, kết hợp với các dữ liệu thu từ các trạm quan sát mặt đất, máy bay và các vệ tinh khác để đưa ra đánh giá tổng quát về sự thay đổi của lượng CO2 trong từng tuần, từng tháng và từng năm.

Do vệ tinh có thể quan sát cả trong phạm vi nhỏ khoảng 3km2, nên các nhà khoa học kỳ vọng nó có thể giúp phát hiện chính xác những khu vực phát ra nhiều khí thải nhất.

Theo kết quả các cuộc nghiên cứu của Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ và Viện Hải dương Scripps, nồng độ khí carbon trong khí quyển đã tăng từ 317 phần triệu những năm 1950 lên 400 phần triệu hiện nay, mức cao nhất trong vòng 800.000 năm trở lại đây.

Các chuyên gia khí hậu đã kết luận rằng, chính sự gia tăng khí thải CO2 từ hoạt động của con người, đặc biệt từ việc sử dụng chất đốt hóa thạch và phá rừng, đã làm rối loạn chu trình carbon tự nhiên, làm nhiệt độ tăng cao và gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước