Huawei và TikTok lao đao trước vòng xoáy chính trị và cạnh tranh công nghệ

VTV Digital-Thứ ba, ngày 21/07/2020 15:36 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei và TikTok đang phải vật lộn để không bị cuốn vào vòng xoáy chính trị căng thẳng giữa các quốc gia.

Trong những năm gần đây, công nghệ ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia. Nước nào chiếm ưu thế trong công nghệ thì cũng làm chủ nền kinh tế, nắm thế thượng phong trong các quan hệ địa chính trị quốc tế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp công nghệ lớn lúc này không còn chỉ là các công ty toàn cầu, mà còn được coi là một thực thể đại diện cho một quốc gia.

Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Trung Quốc - Mỹ, Trung Quốc - Ấn Độ, những quốc gia cũng rất mạnh trong phát triển công nghệ, có những diễn biến căng thẳng. Do đó, những "đại gia" công nghệ Trung Quốc như Huawei, Tiktok và nhiều doanh nghiệp khác bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng này.

Vậy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ có còn cơ hội phát triển? Các "ông lớn" công nghệ của Trung Quốc sẽ ứng phó thế nào trong bối cảnh này?

Huawei "trả đũa" các công ty Mỹ

Căng thẳng giữa các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc và các nước phương Tây đang ngày càng nóng lên. Chính phủ Mỹ đã liên tục gây sức ép lên Huawei bằng một loạt biện pháp cấm đoán cực kỳ mạnh tay để trực tiếp hoặc gián tiếp ngăn cản Huawei tiếp cận các thị trường quan trọng. Ngay sau đó, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã có động thái phản đòn.

Huawei và TikTok lao đao trước vòng xoáy chính trị và cạnh tranh công nghệ - Ảnh 1.

Huawei liên tục bị Chính phủ Mỹ gây sức ép bằng một loạt biện pháp cấm đoán cực kỳ mạnh tay

Tạp chí Forbes cho biết, Huawei đã nộp đơn khiếu nại vi phạm bằng sáng chế nhắm vào hàng loạt công ty công nghệ - viễn thông lớn của Mỹ như HP, Verizon và Cisco. Động thái trả đũa của Huawei có thể khiến Mỹ cảm thấy bất ngờ.

Nhà Trắng đã không lường trước được rằng hãng công nghệ Trung Quốc sẽ tận dụng các điều luật về bằng sáng chế của nước này để đối đầu với chính các công ty Mỹ. Huawei có thể từ chối cấp phép sử dụng bằng sáng chế cho các công ty Mỹ, qua đó làm gián đoạn chuỗi cung ứng của ngành công nghệ nước này.

Tham vọng thống trị thị trường 5G của Huawei bị đe dọa

Với hơn 180 nghìn nhân viên, hoạt động ở 170 quốc gia, Huawei là một trong những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Không chỉ sản xuất và phân phối các sản phẩm số như điện thoại, laptop, Huawei còn là nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông. Sản phẩm và dịch vụ của công ty này phục vụ tới 3 tỷ người dùng trên khắp thế giới.

Tầm ảnh hưởng của Huawei ngày càng vươn ra quy mô toàn cầu với hàng loạt dự án phát triển mạng 5G ở nhiều các quốc gia. Tuy nhiên, các lệnh cấm liên tiếp của Mỹ và Anh thời gian gần đây đã giáng những đòn mạnh vào tham vọng của Huawei.

Huawei và TikTok lao đao trước vòng xoáy chính trị và cạnh tranh công nghệ - Ảnh 2.

Các thiết bị mạng 5G của Huawei bất ngờ bị loại bỏ tại thị trường Anh

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp và cá nhân có xu hướng sử dụng Internet nhiều hơn cho công việc, giải trí tại nhà, học online hay thương mại điện tử. Các nhà mạng trên thế giới đang chạy đua ra mắt các dịch vụ 5G để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng.

Huawei của Trung Quốc, Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan là 3 nhà cung cấp thiết bị hàng đầu trong các dự án phát triển 5G. Huawei có lợi thế lớn khi chào mức giá rẻ hơn khoảng 30%. Tuy nhiên, từ châu Âu tới châu Á, ngày càng nhiều quốc gia không chọn đối tác giá rẻ này.

Các nhà mạng lớn của Singapore thông báo chọn Ericsson và Nokia để cùng phát triển mạng 5G từ đầu năm tới. Nhà mạng lớn nhất của Thái Lan, AIS, cũng không chọn Huawei cho dự án 5G tại nước này.

Giữa tuần vừa qua, chính phủ Anh đã chính thức cấm các nhà mạng tại nước này mua mới thiết bị công nghệ 5G của tập đoàn Huawei Trung Quốc kể từ ngày 31/12 tới, đồng thời dần loại bỏ các thiết bị mạng 5G có liên quan tới Huawei trong giai đoạn từ nay tới năm 2027.

Ông Oliver Dowden - Bộ trưởng Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh - cho biết: "Cách tốt nhất để bảo mật hệ thống mạng của chúng ta là các nhà mạng ngừng sử dụng thiết bị Huawei để phát triển mạng lưới 5G của nước Anh trong tương lai. Kể từ cuối năm nay, các nhà mạng viễn thông không được mua thiết bị 5G nào từ Huawei".

Trước đó, công ty viễn thông TIM của Italy đã quyết định loại Huawei khỏi các đối tác tham gia phát triển mạng 5G. Tại Pháp, thay vì ban hành lệnh cấm hoàn toàn công nghệ 5G của Huawei, Cơ quan An ninh mạng quốc gia khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tìm kiếm giải pháp thay thế để hạn chế rủi ro an ninh cho quốc gia.

Cạnh tranh công nghệ ngày càng trở nên gay gắt

Trang CNN dẫn bình luận đáng chú ý cho rằng, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn như Mỹ - Trung, Trung - Ấn sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực công nghệ. Các nước khác như Anh, Pháp, Australia, Hàn Quốc… rơi vào tình huống phải chọn bên để hợp tác. Điều này có thể dẫn đến việc các dự án hợp tác công nghệ mang tính toàn cầu sẽ dần trở nên thưa vắng. Tính chất của các công ty công nghệ đa quốc gia cũng sẽ thay đổi.

Căng thẳng chính trị sẽ khiến các công ty công nghệ có ít tính toàn cầu hơn. Ngoài nạn nhân mới nhất là Huawei mới bị cấm tại Anh do những sức ép từ Mỹ, một minh chứng điển hình khác là TikTok, ứng dụng video phổ biến của Trung Quốc với hàng trăm triệu người ưa thích trên toàn cầu, đã bị cấm hồi tháng 6 ở Ấn Độ sau cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Sau đó không lâu, chính quyền Mỹ cũng cho biết sẽ xem xét việc cấm ứng dụng này vì đây có thể là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

"Căng thẳng khiến các quốc gia coi công ty công nghệ là một bộ phận của quốc gia, chứ không phải là doanh nghiệp toàn cầu. Tức là các công ty công nghệ của một quốc gia mà thâm nhập thị trường một quốc gia khác sẽ được coi là đại diện cho đất nước của họ" - bà Samm Sacks - nhà nghiên cứu tại trường luật Yale (Mỹ) chia sẻ.

Còn về phần các quốc gia, họ lại rơi vào tình huống phải chọn bên để hợp tác. Ví dụ, Anh trước đây vốn coi Huawei là nhà cung cấp viễn thông đáng tin cậy nhưng dưới sức ép của Mỹ, Anh giờ đây thay đổi lập trường. Italy, một đồng minh của Mỹ, cũng đã loại Huawei khỏi các dự án 5G. Trong khi đó, các đồng minh truyền thống khác của Mỹ như Hàn Quốc lại có thể nghiêng về phía Trung Quốc bởi Hàn Quốc cung cấp các chất bán dẫn tiên tiến mà Trung Quốc cần để cạnh tranh với các đối thủ trên thế giới.

Rào cản được dựng lên ngày càng cao, ý tưởng về một nền tảng công nghệ toàn cầu của các công ty trên thế giới sẽ ngày một trở nên khó khăn hơn.

TikTok xoay xở để tránh bị cuốn vào vòng xoáy chính trị

Nhiều quốc gia và doanh nghiệp bị cuốn vào cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, buộc họ phải đưa ra lựa chọn làm thế nào để phù hợp với quan điểm của "đối tác". Song quyết định dù khó mấy, các công ty cũng phải cố xoay xở khi đã chấp nhận "làm dâu trăm họ".

Tạp chí Forbes trích ý kiến chuyên gia cho rằng, chỉ có 1 trong 2 lựa chọn cho các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc hiện nay. Họ sẽ phải từ bỏ thị trường vì bị cấm đoán hoặc phân tách hoạt động tới mức trở thành nhiều thực thể độc lập, nhằm đáp ứng yêu cầu của quốc gia ban bố lệnh cấm.

Khác với Huawei, TikTok dường như đang áp dụng cách tiếp cận thứ hai. Ứng dụng này thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance nhưng đã tốn nhiều công sức để tách rời khỏi công ty mẹ.

Huawei và TikTok lao đao trước vòng xoáy chính trị và cạnh tranh công nghệ - Ảnh 3.

Trong thời điểm dịch COVID-19, TikTok đã nhanh chóng trở thành ứng dụng phổ biến trên toàn cầu

Hãng tin CNN cho hay, hồi tháng 5, TikTok thuê cựu giám đốc Disney Kevin Mayer làm CEO, đồng thời liên tục nhấn mạnh các trung tâm dữ liệu đều nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc và không chịu sự quản lý của luật pháp Trung Quốc. Có vẻ như "nàng dâu" TikTok đang phải "nhập gia tùy tục" nếu không muốn mất thị phần tại châu Âu như người đồng hương Huawei.

Nhật báo phố Wall trích dẫn một nguồn đáng tin cậy cho biết, công ty mẹ ByteDance đang xem xét thành lập trụ sở ngoài Trung Quốc cho TikTok, thậm chí thành lập ban lãnh đạo mới nhằm tạo khoảng cách với công ty mẹ. Trong khi đó, người phát ngôn của TikTok xác nhận với tờ CNN Business rằng, ByteDance đang xem xét những giải pháp thay đổi cấu trúc điều hành.

Những cơn rung chấn năm 2020 do dịch COVID-19 và các thay đổi chính sách song phương của các nước giống như trận mưa thiên thạch khiến loài khủng long tuyệt chủng. Nhưng loài nào có kích thước nhỏ hơn hoặc biết tiến hóa để thích nghi với môi trường mới mới có thể tồn tại. Điều này cũng có phần đúng với sự thay đổi được cho là hợp hoàn cảnh của Tik Tok vào thời điểm hiện tại.

Truyền thông Trung Quốc dự báo, công nghệ 5G của Huawei, mạng xã hội của TikTok có thể sẽ không phải là những cái tên duy nhất bị Mỹ và các quốc gia phương Tây nhắm tới. Các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo AI, máy bay không người lái, công nghệ nhận diện gương mặt có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo.

Bên cạnh cuộc chiến thương mại thì cuộc chiến công nghệ chắc chắn là câu chuyện rất được chú ý trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước