Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường. Điều này đòi hỏi nguồn lao động lớn và có chất lượng cao.
Đứng trước xu hướng này, nhiều địa phương đã thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên, gồm chính quyền, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.
Tại một trung tâm đào tạo, sinh viên có cơ hội tiếp cận những trang thiết bị hiện đại nhất, duy nhất tại Đông Nam Á có khả năng mô phỏng chip với độ chính xác lên đến 95%. Quá trình mô phỏng chip thông thường mất đến vài tháng nhưng việc sử dụng những server như thế này thì chỉ mất vài tiếng. Đây là một trong những hỗ trợ của doanh nghiệp để giúp trường Đại học này nâng cao chất lượng đào tạo một cách thực tế hơn.
Ông Rajiv Maheshwary - Phó Chủ tịch Nhóm Thiết kế hệ thống, Tập đoàn Synopsis - cho biết: "Chúng tôi mang công nghệ hiện đại đến trường Đại học này. Bởi ngành bán dẫn đang có sự thay đổi. Thay vì tập trung nhiều vào sản xuất phần cứng thì nay, cả phần cứng và phần mềm đều cần được tích hợp cùng một lúc trong chuỗi cung ứng. Vì vậy, thời đại của bán dẫn hiện tại là thiết kế bán dẫn dựa trên phần mềm".
Sự hợp tác giữa càng bên ngày càng chặt chẽ, luôn hướng tới mục tiêu đào tạo sát với thực tiễn nhất. Qua đó, sinh viên có cơ hội tiếp xúc, thậm chí tham gia vận hành trực tiếp các dây chuyền, công nghệ sản xuất tại chính các doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực này. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cũng phối hợp và nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Bà Phạm Thị Sen Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng - cho rằng: "Hỗ trợ cho trường trong việc thành lập các cái trung tâm, các câu lạc bộ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian tới có thể thúc đẩy hoạt động đào tạo của nhà trường".
Mô hình hợp tác ba bên này đang được triển khai tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, qua đó giúp việc đào tạo nhân lực bán dẫn hiệu quả và thực tế hơn.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam sẽ cần ít nhất 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn vào năm 2030. Việc hợp tác ba bên giữa chính quyền, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo sẽ giúp nâng cao cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, từ đó hỗ trợ giải "cơn khát" lao động trong lĩnh vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!