Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020: Vinh danh các nhà khoa học tài năng và những "tấm gương" chống dịch COVID-19

PV-Thứ hai, ngày 18/05/2020 17:07 GMT+7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao bằng chứng nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho các nhà khoa học

VTV.vn - Ngoài việc trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho 3 nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng được vinh danh.

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức lễ kỷ niệm chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5), lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 và lễ tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020: Vinh danh các nhà khoa học tài năng và những tấm gương chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Toàn cảnh lễ kỷ niệm chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 và lễ tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được năm 2020 được trao tặng cho 3 nhà khoa học thuộc các ngành Khoa học Y Dược, Toán học và Vật lý. Đây cũng là năm thứ 2, một nhà khoa học nữ được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Nhà khoa học đoạt giải thưởng được nhận bằng chứng nhận giải thưởng của Bộ trưởng Bộ KH&CN và tiền thưởng theo quy định. Cụ thể:

Giải thưởng chính

PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (Ngành Khoa học Y Dược)

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020: Vinh danh các nhà khoa học tài năng và những tấm gương chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan

Nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu trên 782 phụ nữ vô sinh không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), so sánh tỉ lệ thai diễn tiến và tỉ lệ trẻ sinh sống của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi. Kết quả cho thấy chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tương đương chuyển phôi tươi, do đó, có thể thực hiện đông lạnh phôi để giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung, giảm biến chứng đa thai của thụ tinh trong ống nghiệm.

PGS.TS. Phạm Tiến Sơn, Trường Đại học Đà Lạt (Ngành Toán học)

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020: Vinh danh các nhà khoa học tài năng và những tấm gương chống dịch COVID-19 - Ảnh 3.

PGS.TS. Phạm Tiến Sơn

Công trình nghiên cứu một vấn đề cơ bản của toán học và ứng dụng của nó, đó là bài toán tối ưu nửa đại số: Tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số. Đây là bài toán "NP-khó" và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà toán học. Dựa trên một vài ý tưởng của Lý thuyết kỳ dị và sử dụng các công cụ của Hình học nửa đại số, công trình chỉ ra tính tổng quát của các bài toán tối ưu nửa đại số.

Giải thưởng trẻ

TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Ngành Vật lý)

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020: Vinh danh các nhà khoa học tài năng và những tấm gương chống dịch COVID-19 - Ảnh 4.

TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu

Trong nghiên cứu này, tác giả đề xuất một phương pháp tổng quát nhằm xác định chính xác quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp (dưới 100 eV) trong vật liệu. Tác giả cho thấy rằng quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử có thể được xác định trong hệ hình thức điện môi với độ chính xác tương đương với các tính toán nguyên lý đầu sử dụng phép xấp xỉ GW trong lý thuyết hệ nhiều hạt. Đồng thời, phương pháp được đề xuất là một lựa chọn khác cho việc tính toán thời gian sống của điện tử nóng (một đại lượng quan trọng trong động học điện tử siêu nhanh).

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ KH&CN tổ chức hàng năm, là sự ghi nhận và tôn vinh đối với các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Từ năm 2014 đến nay, 14 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 3 nhà khoa học trẻ đã được trao tặng Giải thưởng trong tổng số hơn 270 hồ sơ đăng ký tham dự.

Lễ tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ những ngày đầu tiên dịch bệnh bùng phát, cũng được tổ chức cùng thời điểm.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp xác định, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phục vụ công tác phòng chống dịch; kịp thời triển khai theo quy trình đặc biệt các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện virus Corona chủng mới (SARS-CoV2), kháng thể đơn dòng, phác đồ điều trị, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát.

Đến nay, nhiều nghiên cứu đã có kết quả khả quan, kịp thời phục vụ thiết thực cho việc phòng, chống dịch. Tiêu biểu như:

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020: Vinh danh các nhà khoa học tài năng và những tấm gương chống dịch COVID-19 - Ảnh 6.

Lễ tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu.

Phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch COVID-19: xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế. Tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID tập hợp, huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu và kịp thời có các sản phẩm KH&CN phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ,… đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch.

Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 (do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện), đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, Vương Quốc Anh cấp giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường Châu Âu số 2020041602179596/1 ngày 20/4/2020; Tổ chức Y tế thế giới cấp Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm vào ngày 24/4/2020. Cho đến nay, hơn 230.000 test đã được cung cấp cho cả nước, góp phần đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống covid-19 ở nước ta. Bên cạnh đó, bộ KIT đã được tặng cho một số nước như Lào, Indonexia, Hungary góp phần tăng tình hữu nghị với các nước.

Nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm robot hỗ trợ y tế (do Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện). VIBOT - 1a được thử nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sỹ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo.

Nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thành công robot NaRoVid1 (do Viện Ứng dụng Công nghệ thuộc Bộ KH&CN thực hiện) có tính năng lau khử khuẩn sàn nhà nhằm hỗ trợ, thay thế nhân viên y tế trong các khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020: Vinh danh các nhà khoa học tài năng và những tấm gương chống dịch COVID-19 - Ảnh 7.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020: Vinh danh các nhà khoa học tài năng và những tấm gương chống dịch COVID-19 - Ảnh 8.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi lễ.

Từ năm 2014 đến nay, Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 đã trở thành ngày truyền thống, ngày hội quan trọng của của những người làm công tác nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, của các doanh nghiệp có tinh thần đổi mới sáng tạo; là điểm hẹn thường niên để cộng đồng KH&CN cả nước tổ chức các sự kiện có ý nghĩa thiết thực vừa để ghi nhận những nỗ lực, thành công của ngành KH&CN đóng góp cho kho tàng tri thức cũng như phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vừa để thảo luận, định hướng hoạt động nhằm hướng đích các mục tiêu của ngành KH&CN nói riêng, của đất nước nói chung.Vào dịp này, nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực được tổ chức và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng các nhà khoa học và toàn xã hội.

Trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 cho 3 nhà khoa học ngành Y Dược, Toán học, Vật lý Trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 cho 3 nhà khoa học ngành Y Dược, Toán học, Vật lý

VTV.vn - 3 nhà khoa học vinh dự nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 là PGS, TS. Vương Thị Ngọc Lan, PGS,TS. Phạm Tiến Sơn và TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước