Bộ TT&TT: Cần đảm bảo liên lạc của người dân qua điện thoại không bị gián đoạn khi tắt sóng 2G

Phi Long-Thứ sáu, ngày 06/10/2023 09:18 GMT+7

VTV.vn - Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện lộ trình tắt sóng 2G, phủ sóng 4G.

Hiện tại vẫn có tới 1/5 tổng số thuê bao đang sử dụng mạng di động 2G, trong đó chủ yếu là nhóm dân số cao tuổi hoặc người có thu nhập thấp. Trong khi đó, lộ trình tắt sóng 2G của Việt Nam bắt đầu từ cuối năm nay.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thực tế, việc dừng công nghệ không còn phù hợp đã được các doanh nghiệp triển khai từ năm 2019, hiện nhiều khu vực không có thuê bao 2G nên các nhà mạng đã dừng phát sóng các trạm 2G để thay thế bằng trạm 4G. Các nhà mạng cũng đã thực hiện nhiều chương trình chuyển đổi điện thoại 2G sang điện thoại 4G.

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi, người có thu nhập thấp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên nguyên tắc: doanh nghiệp khi dừng công nghệ cũ sẽ thực hiện theo tắt dần các trạm thu phát sóng trên cơ sở đánh giá lưu lượng dịch vụ và số thuê bao dịch vụ hoạt động trên các trạm BTS. Đồng thời, các doanh nghiệp di động khi dừng công nghệ triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone (hỗ trợ một phần chi phí mua điện thoại thông minh kèm theo các gói cước hỗ trợ) nhằm bảo đảm quyền lợi của người sử dụng. Ngoài ra, các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ một phần kinh phí mua smartphone từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, những lỗ hổng bảo mật của mạng 2G đã và đang bị tội phạm mạng khai thác ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn. Không sử dụng hạ tầng mạng viễn thông, không sử dụng SIM rác, chỉ với các trạm thu phát sóng di động giả mạo, các đối tượng xấu có thể phát tán tin nhắn rác với số lượng lên đến 80.000 tin/ngày/1 thiết bị. Số tin nhắn rác ước tính được phát tán lên tới 151 triệu tin/1 tháng nếu mỗi tỉnh có 1 trạm. Thủ đoạn phát tán tin nhắn mạo danh được tội phạm mạng thực hiện chủ yếu qua sóng mạng 2G. Do công nghệ này đã lỗi thời, tiêu chuẩn bảo mật cũng như mã hóa không được chú trọng.

Không chỉ vậy, 2G cũng là nguyên nhân cản trở việc triển khai những kết nối di động mạnh mẽ hơn. Việc duy trì sóng 2G đang chiếm chỗ băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển mạng 4G, 5G, 6G… Chính vì vậy, việc sớm tắt sóng 2G là cần thiết.

Trước câu hỏi về việc làm thế nào để trong 1 năm nữa có thể phủ sóng 4G tới tận các thôn bản xa xôi, các hải đảo trên toàn quốc giúp việc liên lạc của người dân qua điện thoại không bị gián đoạn, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, vùng phủ sóng 4G hiện nay về cơ bản đã tương đồng như vùng phủ sóng 2G. Trong quá trình dừng các trạm 2G, các doanh nghiệp phải có kế hoach phủ sóng 4G thay thế vùng phủ 2G. Ngoài ra, băng tần 700 MHz được đấu giá lần này cũng sẽ giúp doanh nghiệp có thêm băng tần thấp để có thể triển khai vùng phủ 4G thay thế vùng phủ 2G mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Đối với những thôn không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, vùng công ích sẽ được sử dụng quỹ viễn thông công ích để phủ sóng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước