Nhiều rủi ro cho trẻ em trên không gian mạng
Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề "Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng", ông Đặng Vũ Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Nguyên Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh, các công nghệ hiện đại như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)... đã trở thành một phần không thể thiếu trong học tập, làm việc và giải trí. Tuy nhiên, song hành cùng những lợi ích to lớn là những thách thức ngày càng gia tăng, đặc biệt về an toàn thông tin, quyền riêng tư và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
"Trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương nhất đang đối mặt với nhiều nguy cơ khi các em chưa có đầy đủ kỹ năng để nhận diện và phòng tránh rủi ro trong không gian mạng", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Đặng Vũ Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Nguyên Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ
Bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho biết, kết quả khảo sát cho thấy 83.9% trẻ em có sử dụng điện thoại, trong đó điện thoại thông minh chiếm 76%. Có tới 86.1% trẻ em được khảo sát có sử dụng mạng xã hội. 97% trẻ em được khảo sát sử dụng điện thoại từ 1h/ngày, trong đó gần 27% sử dụng điện thoại từ 5h/ngày. Mục đích sử dụng lớn nhất là Giải trí gồm xem phim ảnh, nghe nhạc… (chiếm 86%).
Theo bà Vân Anh cho biết, tỷ lệ trẻ em hoàn toàn tự tin về kiến thức và kỹ năng ứng phó với rủi ro từ mạng xã hội chưa cao. Điều này tiềm tàng những nguy cơ đối với việc sử dụng internet an toàn của trẻ em.
Cụ thể hơn, bà Đinh Thị Như Hoa - Trưởng phòng Kiểm định an toàn thông tin - Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) đã chỉ ra 5 mối nguy hại điển hình từ Internet có thể tác động tiêu cực đến trẻ em.
Cụ thể, các em có thể bị tiếp cận những nguồn thông tin không phù hợp như truy cập web đen có nội dung xấu, bị bạo lực mạng.
"Nếu không được phát hiện sớm, những thông tin này sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý, sức khỏe thể chất và hành vi của trẻ," bà Hoa chia sẻ.
Internet và 5 mối nguy hại tác động tới trẻ em
Việc nhiều phụ huynh vô tình chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ trên mạng xã hội cũng là một trong những mối nguy lớn khiến cho thông tin riêng tư của trẻ bị phát tán, rò rỉ và có thể đưa đến tác động tiêu cực cho các em.
Một mối nguy, rủi ro khác từ việc trẻ sử dụng Internet quá nhiều là các em bị nghiện game, mạng xã hội và nghiện Internet.
Số liệu của WHO cho thấy, khoảng 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích chơi game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%.
Song song đó, theo bà Hoa, 2 mối nguy hại lớn khác với trẻ em đến từ Internet là bắt nạt trực tuyến và lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, ép tham gia các hoạt động phi pháp.
Nghị định 147 - Bước tiến bảo vệ trẻ em trong không gian mạng
Các chuyên gia cho rằng việc nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình của con trẻ trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng.
Phó Chủ tịch VNISA Đặng Vũ Sơn cho rằng Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đến năm 2025 đã huy động được sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai, vẫn còn những hạn chế trong việc kết nối và phối hợp giữa các bên liên quan.
Khẳng định VNISA cam kết sẽ đồng hành cùng cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp để hiện thực hóa các sáng kiến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ông Đặng Vũ Sơn nhấn mạnh: "Sự kết nối và hợp tác là chìa khóa để giải quyết các thách thức và mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng."
Ông Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng
Thông tin về một số hoạt động nổi bật của Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, ông Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: "Được ban hành tháng 6/2024, tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03 VNISA sẽ góp phần phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đây cũng là tiền đề thúc đẩy sự tham gia của các bên cũng như đông đảo người dùng vào công tác bảo vệ trẻ em trên mạng."
Trong khi đó, ông Đỗ Dương Hiển – Chuyên gia bảo vệ trẻ em Tổ chức ChildFund Việt Nam nhấn mạnh vai trò của Nghị định 147 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng trong việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng.
Ông Hiển đánh giá Nghị định 147 đã chỉ ra rất rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp nội dung hay cá nhân cung cấp nội dung trên mạng xã hội và người sử dụng.
"Chúng tôi thấy được bước tiến rất lớn trong việc chúng ta bảo vệ trẻ em trên mạng như thế nào. Chẳng hạn về quản lý thời gian chơi game, trẻ dưới 18 tuổi không chơi quá 3 tiếng mỗi ngày/game", ông Hiển cho biết.
Ông Đỗ Dương Hiển – Chuyên gia bảo vệ trẻ em Tổ chức ChildFund Việt Nam
Song vị chuyên gia này cho rằng, quá trình thực hiện sẽ cần có nhiều giải pháp cụ thể hơn, chi tiết hơn để hướng dẫn, quy định của Nghi định có thể đưa vào cuộc sống.
Còn bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) nhấn mạnh tầm quan trọng của các phụ huynh trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
"Cha mẹ cũng cần nâng cao kĩ năng về an toàn mạng để có thể đồng hành và hỗ trợ con mình trong tiến trình này, vì hơn một nửa trẻ tham gia khảo sát tìm hiểu kiến thức qua cha mẹ", bà Vân Anh nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!