Ngày 23/12/2024, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2024. Đây là năm thứ 19 hoạt động này được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.
Cơ chế chính sách:
1. Thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Quốc hội ra Nghị quyết tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; đồng thời giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Ngày 25/11/2009, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm nhà máy 1 và 2, với tổng công suất 4.000MW. Tuy nhiên, đến ngày 26/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
2. Ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Chiến lược định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2024-2030) có những mục tiêu cụ thể sau:
Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực;
Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10-15%; 3. Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
3. Thực hiện chủ trương hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông
Sau khi có chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", ngày 6/12/2024, Chính phủ đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ định hướng duy trì 8 bộ, cơ quan ngang bộ (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), đồng thời, sắp xếp, hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó, hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Việc hợp nhất hai bộ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, đồng bộ về mặt chính sách, thuận lợi cho việc phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích các giải pháp công nghệ.
4. Công bố Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương
Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2022, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức triển khai Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023. Bộ chỉ số nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Qua đó, cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng, các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Đây là một tài liệu hữu ích cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp là lãnh đạo các địa phương sử dụng trong việc xây dựng và thực thi các chính sách để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngày 12/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương, đồng thời, công bố bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 của 63 tỉnh/thành phố, trong đó, TP Hà Nội đạt điểm số cao nhất, tiếp theo là TPHCM và Hải Phòng.
Khoa học, công nghệ ứng dụng:
5. Làm chủ công nghệ quan trắc, báo tin động đất
Viện Vật lý Địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là cơ quan đầu mối được giao thực hiện nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ở Việt Nam theo Quy chế của Chính phủ. Để phục vụ công tác này, đến nay, Viện Vật lý Địa cầu đang vận hành gần 100 trạm quan trắc động đất trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Từ ngày 1/1/2024 đến 5/12/2024, Trung tâm đã ghi nhận được 463 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,4 đến 5,0 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Trong số này có 59 trận động đất có độ lớn M ≥ 3.5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Hệ thống theo dõi động đất tại Viện Vật lý Địa cầu - Ảnh: VGP
Thời gian qua, Viện tập trung nghiên cứu hiện tượng động đất kích thích và duy trì mạng lưới quan trắc ở các hồ đập thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Sông Tranh 2, A Lưới, Thượng Kon Tum... Viện cũng đã thiết lập mạng trạm quan trắc động đất để đánh giá nguy hiểm động đất phục vụ Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học, công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai. Năm 2024, Viện Vật lý Địa cầu được giao nhiệm vụ phối hợp với Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Thông minh (ARIST) thuộc Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào thiết lập Phòng thí nghiệm dữ liệu và truyền thông về thiên tai cho CHDCND Lào; đồng thời tổ chức khóa đào tạo, chuyển giao công nghệ về quan sát động đất cho phía của Lào.
6. Vận hành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam
Tháng 4/2024, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc với công suất 30MW, lớn nhất tại Việt Nam. Viettel triển khai các công nghệ mới nhất để xây dựng trung tâm dữ liệu xanh. Đây là trung tâm dữ liệu đầu tiên của Việt Nam được thiết kế công suất cao, gấp 2 lần mức trung bình, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của AI với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao, gia tăng khả năng tính toán.
Với 60.000 máy chủ, hơn 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn, tổng công suất điện 30MW, Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc cũng trở thành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc đang nắm giữ nhiều chứng chỉ xanh như tiêu chuẩn về quản lý năng lượng, tiêu chuẩn về quản lý tác động môi trường, tiêu chuẩn về quản lý vệ sinh lao động. Đây cũng là trung tâm dữ liệu đầu tiên cam kết hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ.
7. Techfest 2024 và 10 năm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam
Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia năm 2024 (Techfest 2024) diễn ra tại TP Hải Phòng từ 26-28/11/2024 với chủ đề "Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam". Trong lần thứ 10 tổ chức, Techfest 2024 đánh dấu những thành tựu nổi bật với gần 10.000 lượt người tham dự; quy tụ hơn 1.100 diễn giả và chuyên gia hàng đầu, tạo cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kết nối với hơn 200 đại diện quốc tế. Gần 400 gian hàng triển lãm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã mang đến những sản phẩm và giải pháp công nghệ độc đáo. Đã có hơn 50 phiên kết nối đầu tư chuyên sâu được tổ chức, mở ra nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, với nhiều tiềm năng tiếp tục phát triển sau sự kiện.
Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia năm 2024 (Techfest 2024). Ảnh: TTXVN
Trong 9 tháng đầu năm 2024, có 38 thương vụ đầu tư rót vốn vào các startup của Việt Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 372 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. Ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, số lượng doanh nghiệp có sự chênh lệch không đáng kể. Trong đó, có 11 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 100 triệu USD; 2 trong số đó đạt trạng thái kỳ lân với định giá trên 1 tỷ USD. Năm 2024, Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 lên 56 (đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
8. Xây dựng Trung tâm trí tuệ nhân tạo trị giá hơn 4.300 tỷ đồng
Ngày 18/8/2024, Liên danh FPT Quy Nhơn (thuộc Tập đoàn FPT) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định chính thức khởi công Dự án Trung tâm AI và đô thị phụ trợ tại tại TP Quy Nhơn. Dự án có quy mô hơn 93,2 ha, tổng vốn đầu tư 4.362 tỷ đồng. Trung tâm AI được xác định là nơi nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp an ninh mạng, an ninh xã hội, AI phục vụ con người, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị dịch vụ.
Cũng trong năm 2024, FPT đã hợp tác với Nvidia đầu tư lớn vào công nghệ AI. Cụ thể, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD vào AI Factory (nhà máy AI) tại Việt Nam và Nhật Bản kỳ vọng nâng cao năng lực cung cấp giải pháp công nghệ cao về AI và Cloud cho Việt Nam cũng như trên quy mô toàn cầu, đồng thời nâng tầm nguồn nhân lực công nghệ.
Tháng 11/2024, Nhà máy AI bắt đầu đi vào hoạt động và chính thức cung cấp dịch vụ vào tháng 1/2025 tại Việt Nam và Nhật Bản, giúp các tổ chức tiếp cận với nguồn lực cốt lõi nhất, để nâng cao năng lực nghiên cứu, đẩy nhanh tốc độ ứng dụng AI, đặc biệt là AI tạo sinh (Generative AI), đạt được những đột phá trong nâng cao năng suất, trải nghiệm khách hàng.
Khoa học xã hội và nhân văn:
9. Phát hiện khu cư trú người tiền sử niên đại 8.000 năm ở Bắc Kạn
Tháng 8/2024, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện ra nhiều dấu vết người tiền sử tại 4 di tích thuộc hơn 20 hang tại 2 xã Quảng Khê và Đồng Phúc, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) sau hơn 1 tháng thực địa. Tại hang Kẹm Liềm ở thôn Chợ Lèng, xã Quảng Khê, đoàn khảo sát đã phát hiện tầng văn hóa dày 0,7m nằm ngay trên nền đá tảng và được nhiều di vật. Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, kết cấu trầm tích địa tầng văn hoá, bước đầu đoàn khảo sát nhận định hang Kẹm Liềm là một di tích cư trú của người tiền sử thuộc giai đoạn sớm của thời đại đá mới có niên đại khoảng 7.000 - 8.000 năm cách ngày nay.
Một số di tích tại hang Thẳm Un. Ảnh: Báo Bắc Kạn
Ở một số hang khác, kết quả khảo sát cũng tương tự. PGS.TS Trình Năng Chung (Hội Khảo cổ học Việt Nam) đánh giá, các phát hiện có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học, góp phần làm phong phú thêm nhận thức về văn hóa tiền sử ở Bắc Kạn nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Do nằm gần kề Vườn quốc gia Ba Bể, hệ thống di tích trên cần được bảo tồn và phát huy giá trị, xem chúng như tiềm năng kinh tế du lịch, về nguồn trong kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương.
Hiện, các cơ quan chuyên môn đã có kế hoạch để nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn các di tích nói trên, trong đó có việc khai quật hang Kẹm Liềm trong thời gian tới. Trong khoảng 10 năm qua, các di chỉ về người tiền sử liên tục được phát triển trong các hệ thống hang động ở tỉnh Bắc Kạn.
Tôn vinh nhà khoa học:
10. Người Việt đầu tiên đoạt giải thưởng thiên văn quốc tế Đài Loan (Trung Quốc)
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm (45 tuổi, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học thiên văn vũ trụ Hàn Quốc và Đại học Khoa học công nghệ Hàn Quốc) đã đoạt Giải thưởng bài giảng cho nhà thiên văn học trẻ toàn thế giới năm 2024 do Đại học Ƭrung ương Đài Loan tặng. Ông là người Việt Nam đầu tiên, đồng thời là người thứ 4 đang làm việc ở châu Á đoạt giải thưởng nàу. Giải thưởng được tổ chức từ năm 2012, dành cho 1-2 nhà khoa học dưới 45 tuổi, không phân biệt quốc tịch, sắc tộc. Giải thưởng do Hội đồng quốc tế gồm các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực thiên văn và vật lý thiên văn đề cử, đánh giá và lựa chọn trao tặng.
Ủy ban giải thưởng đánh giá, ƤGS.TS Hoàng Chí Thiêm có nền tảng học thuật sâu và kinh nghiệm nghiên cứu phong phú. Ông đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực như bụi vũ trụ, sự ra đời của các ngôi sao và quá trình hình thành hành tinh. Nghiên cứu của ông đã làm sâu sắc thêm hiểu biết của cộng đồng về vật chất liên sao và sự tiến hóa của các hệ hành tinh trong vũ trụ, đồng thời, có đóng góρ quan trọng trong nghiên cứu về nền vũ trụ vi sóng. Năm 2022, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm cũng là người Việt đầu tiên nhận Giải thưởng khoa học do Hội Thiên văn Hàn Quốc tặng với những đóng góp trong 10 năm của ông cho ngành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!