Dù thế giới ngày càng đối mặt với nhiều bất ổn, một báo cáo mới đây đã mang lại cái nhìn đầy hy vọng lòng tốt - những hành động tử tế, cho dù nhỏ bé – có thể mang đến niềm hạnh phúc lớn hơn cả việc gia tăng thu nhập.
Báo cáo hạnh phúc thế giới, được công bố hằng năm vào Ngày Quốc tế Hạnh phúc, là một nghiên cứu hợp tác giữa Gallup, Trung tâm Nghiên cứu Hạnh phúc thuộc Đại học Oxford và mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Năm nay, báo cáo đặc biệt tập trung vào các hành động từ thiện và kỳ vọng của người dân đối với lòng tốt trong cộng đồng.
Lòng tốt lan tỏa rộng khắp
Theo báo cáo, 70% dân số thế giới đã thực hiện ít nhất một hành động tốt trong vòng một tháng qua. Những hành động đó được phân thành ba loại chính: quyên góp tiền bạc, làm tình nguyện và giúp đỡ người lạ.
"Đây là một con số thực sự ấn tượng," Tiến sĩ Felix Cheung, đồng tác giả của báo cáo và là phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto, chia sẻ. "Chỉ riêng việc biết rằng bảy trong mười người xung quanh chúng ta đã làm điều gì đó tốt đẹp trong tháng qua cũng đủ để khiến ta cảm thấy lạc quan hơn về thế giới."
Dù mức độ tham gia các hoạt động thiện nguyện đã giảm so với giai đoạn đỉnh điểm trong đại dịch COVID-19, nó vẫn cao hơn đáng kể so với thời kỳ trước đó. Tiến sĩ Lara Aknin, giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Simon Fraser (Canada) và là biên tập viên của báo cáo, nhấn mạnh: "Giữa thời điểm mà thế giới đang đối mặt với vô vàn khó khăn, thật đáng mừng khi biết rằng con người vẫn duy trì sự tử tế và hào phóng."
Làm điều tốt khiến con người hạnh phúc hơn
Một điểm nổi bật trong báo cáo là phát hiện rằng những hành động tử tế không chỉ mang lại lợi ích cho người nhận, mà còn khiến người thực hiện cảm thấy hạnh phúc hơn thậm chí nhiều hơn cả việc kiếm được mức lương cao hơn.
Ilana Ron-Levey, Giám đốc điều hành khu vực công tại Gallup, cho biết: "Một giờ làm tình nguyện, một khoản quyên góp nhỏ, hay một hành động tử tế đơn giản có thể mang lại mức độ hạnh phúc không ngờ, đôi khi còn lớn hơn cả các thay đổi tài chính trong đời sống."
Tiến sĩ Aknin đã thực hiện các thí nghiệm tại nhiều quốc gia từ Canada đến Nam Phi, Uganda và Ấn Độ – với cùng một mô hình: những người tham gia được nhận một khoản tiền nhỏ (khoảng 2 đến 5 đô la) và được yêu cầu tiêu cho bản thân hoặc cho người khác. Kết quả nhất quán cho thấy những người chi tiêu vì người khác luôn báo cáo mức độ hạnh phúc cao hơn.
"Chúng ta là sinh vật xã hội," Aknin lý giải. "Những hành động hào phóng không chỉ xây dựng mối quan hệ mà còn củng cố sự kết nối giữa con người với nhau."
Khoảng cách trong lòng tin xã hội
Dù nhiều người đang làm điều tốt, nhưng kỳ vọng về lòng tốt lại khá thấp. Báo cáo chỉ ra rằng con người thường bi quan về khả năng người khác hành xử tử tế với mình một hiện tượng được gọi là "khoảng cách đồng cảm".
Một khảo sát điển hình yêu cầu người tham gia đánh giá khả năng một chiếc ví bị mất sẽ được trả lại, tùy vào người nhặt được là hàng xóm, cảnh sát hay người lạ. Kết quả cho thấy người dân Mỹ đứng thứ 17 thế giới về mức độ tin tưởng hàng xóm sẽ trả lại ví, thứ 25 đối với cảnh sát và chỉ đứng thứ 52 về niềm tin với người lạ.
"Kết quả này phản ánh sự rạn nứt trong gắn kết xã hội," Ron-Levey nhận định. "Dù có rất nhiều người đang làm điều tốt, nhưng nếu chúng ta không tin vào lòng tốt của nhau, điều đó sẽ kìm hãm khả năng phát triển sự thấu cảm và đoàn kết trong cộng đồng."
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!