Xử lý "xe dù, bến cóc": Quy định đã rõ nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn lúng túng?

Theo Báo Chính phủ-Thứ tư, ngày 21/12/2022 05:54 GMT+7

Quy định đã rõ nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn không mạnh tay để xử lý triệt để, khiến nạn "xe dù, bến cóc" chưa bao giờ hết "nóng" trên địa bàn - Ảnh: VGP

VTV.vn - Càng về cuối năm, khi nhu cầu đi lại tăng cao thì vấn nạn "xe dù, bến cóc" tại một đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh lại tiếp tục "nóng".

Trong khi các địa phương khác đã mạnh tay dẹp "xe dù bến cóc" dựa vào những quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP và các quy định đã có thì TP Hồ Chí Minh vẫn loay hoay trước vấn nạn này. Liệu có phải do thiếu quy định hay còn nguyên nhân nào khác?

Đơn cử như tại Nha Trang, thành phố đã cấm mọi phương tiện ô tô khách trên 29 chỗ, kể cả xe du lịch vào trung tâm từ năm 2020, thì tại TP Hồ Chí Minh, đề án cấm xe giường nằm vào nội đô của Sở GTVT Thành phố vẫn đang ở dạng "đề xuất".

Việc tưởng chừng đơn giản nhưng thành phố vẫn loay hoay.

Khó xử lý "xe dù, bến cóc" do không được chia sẻ dữ liệu?

Ngày 9/12 mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Công văn số 4771, do Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường ký, gửi Bộ GTVT nêu ra những vướng mắc về việc khó xác định chủ thể vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ dẫn đến việc khó khăn trong xử lý sai phạm.

Cụ thể, theo UBND Thành phố, không xác định được chủ thể vi phạm vì không thể truy xuất từ thiết bị giám sát hành trình GPS. Từ ngày 1/1/2022, dữ liệu GPS và hợp đồng vận chuyển đều được các đơn vị kinh doanh vận tải chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Phần mềm này đến nay lại chưa được nâng cấp nên Sở GTVT TP chưa thể truy xuất.

Thực tế, từ năm 2008, Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ tại điểm b Khoản 1 Điều 67 rằng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình (GPS) của xe theo quy định. Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế càng quy định rõ hơn ở Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 yêu cầu bắt buộc về việc xe vận tải phải lắp GPS.

GPS gắn trên các chuyến xe của đơn vị kinh doanh vận tải sẽ truyền trực tiếp về Sở GTVT địa phương, nơi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký. Thiết bị này giúp Sở GTVT biết chính xác đến từng số nhà khi chiếc xe đi tới, với tốc độ vận hành bao nhiêu km/h, thông tin dừng tại đâu, trong thời gian bao lâu, biển số xe…

Cùng với đó, mỗi một chuyến xe hợp đồng/du lịch xuất phát, hợp đồng vận tải bao gồm giá trị bao nhiêu tiền, danh sách hành khách, điểm đón, điểm đến… phải được gửi về Sở GTVT nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.

Đây là 2 căn cứ để sau mỗi tháng, Sở GTVT địa phương dễ dàng thống kê, căn cứ, phát hiện xử phạt hành chính hoặc tước phù hiệu doanh nghiệp vận tải đó. Dữ liệu này cho phép Sở GTVT địa phương phát hiện được hành trình xe hợp đồng có tỉ lệ lặp đi lặp lại chiếm bao nhiêu%, tốc độ lái xe có vi phạm quá 5 lần/1.000 km hay không…

Trong năm 2022, tại nhiều địa phương, việc thanh tra, kiểm tra, trích xuất dữ liệu GPS trong quản lý điều hành cũng đang được áp dụng để xử lý hiệu quả thực trạng 'xe dù, bến cóc".

Theo đó, chỉ từ 5-8/2022, Sở GTVT TP. Hà Nội đã phát hiện và thu hồi phù hiệu 1.547 phương tiện kinh doanh vận tải sai phạm với nhiều lý do khác nhau. Con số này cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Sở GTVT Hà Nội trước vấn nạn 'xe dù, bến cóc', lập lại trật tự an toàn giao thông.

Trong khi đó, theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ-đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh, sau một tuần triển khai cao điểm tổng kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách (từ ngày 1-7/12/2022), lực lượng CSGT thành phố đã phát hiện và xử lý 537 trường hợp ô tô khách vi phạm; ra quyết định xử phạt với số tiền 510 triệu đồng; tạm giữ một phương tiện; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 72 trường hợp.

Trong đó, có 336 trường hợp ô tô khách vi phạm về dừng xe, đỗ xe; 42 trường hợp để hàng hóa trong khoang hành khách; 40 trường hợp vi phạm điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng bằng văn bản giấy không có hoặc không mang theo danh sách hành khách theo quy định; 25 trường hợp vi phạm đón, trả hành khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ, đón trả hành khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã xác định nơi đón, trả khách; 14 trường hợp không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải quy định; 8 trường hợp vi phạm điều khiển xe vận chuyển khách du lịch, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng gom khách, bán vé, thu tiền hoặc thực hiện việc xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe…

Người viết đặt câu hỏi, liệu những con số này có phản ánh đúng vấn nạn "xe dù, bến cóc" hoành hành trên địa bàn và việc xử phạt của TP. Hồ Chí Minh liệu đã đủ tính răn đe?

Thắc mắc đi ngược thực tế

Cũng theo Công văn này, mặc dù Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã nêu, chỉ cần xác định mỗi xe ô tô thực hiện quá 30% trên tổng số chuyến có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp trên một tháng là có căn cứ để xử phạt, tuy nhiên, muốn xác định tỉ lệ này vẫn phải thông qua GPS và hợp đồng vận chuyển.

Ngoài ra, trong Công văn, UBND Thành phố cũng nêu khó xác định chủ thể vi phạm là đơn vị thực hiện hành vi vi phạm hay từng ô tô khách vi phạm.

Tuy nhiên, những "thắc mắc" trên được cho là đi ngược lại với thực tế, vì hiện nay nhiều địa phương đã áp dụng các quy định trong xử phạt những doanh nghiệp sai phạm trong kinh doanh vận tải.

Theo đó, tại khoản 3 Điều 7 và khoản 3 của Điều 8 Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã ghi rất rõ "xe hợp đồng/du lịch không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh". Điều này đồng nghĩa với việc Nghị định nêu rõ áp dụng cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Tại khoản 3 Điều 7 và điểm d khoản 3 Điều 8 Nghị định 10/2020/NĐ-CP cùng Điều 43 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT cũng đã hướng dẫn xác định điểm đầu trùng lặp, điểm cuối trùng lặp của xe ô tô.

Với căn cứ này, cùng quá trình thanh tra kiểm tra, tháng 10 vừa qua, Sở GTVT Đắk Lắk đã đề nghị tước phù hiệu nhà xe Thế Vĩnh vì đã có hành vi vi phạm đón trả khách thường xuyên và lặp lại một hành trình. Trước đó, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cũng đã ra văn bản gửi Sở GTVT TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ, Tây Ninh, Tiền Giang đề nghị phối hợp triển khai để xử lý triệt để thực trạng nhà xe Thế Vĩnh chạy xe nhiều tuyến theo hành trình lặp đi lặp lại nhưng núp bóng dưới dạng xe hợp đồng nhưng không vào bến.

Ngoài ra, UBND Thành phố cũng nêu ý kiến về việc chưa có khái niệm hay quy định thế nào là điểm đón, trả trái phép (xe dù, bến cóc) nên khó xác định chủ thể hành vi phạm là cá nhân/đơn vị tổ chức thuê địa điểm kinh doanh hay cá nhân/tổ chức người sở hữu đất sai phạm để xử lý. Khi đọc đến đây, nhiều người "bật ngửa" vì sao người ký văn bản này là Phó Chủ tịch UBND Thành phố còn chưa hiểu thế nào là điểm đón trả khách trái phép?

Trên thực tế đã có rất nhiều văn bản quy định về ngành kinh doanh vận tải có điều kiện. Cụ thể, tại Nghị định 10 của Chính phủ đã nêu: Bến xe khách là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô đón, trả hành khách và các dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách.

Năm 2015, Bộ GTVT cũng đã có Thông tư số 73/2015/TT-BGTVT quy định về các hạng mục công trình tương ứng với từng loại bến xe khách. Các công trình này chỉ được phép khai thác khi Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép, còn nếu không cấp phép thì là bến "lậu", bến "cóc".

Tại Khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định phạt từ 7 triệu-20 triệu đồng đối với đơn vị kinh doanh vận tải có hành vi vi phạm như "Thành lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép (bến dù, bến cóc), nghĩa là chủ thể nào đứng ra thành lập và vi phạm thì xử lý chủ thể đó.

Năm 2016, chính Thanh tra Sở GTVT Thành phố sau khi kiểm tra, thanh tra và căn cứ các quy định pháp luật đã xác định và ra quyết định xử phạt nhà xe Thành Bưởi vì lập bến "lậu" trong nội đô tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, Quận 10, đồng thời yêu cầu nhà xe này tháo dỡ một số công trình trái phép.

Điểm c Khoản 5 Điều 70 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định thẩm quyền đối với hành vi xử phạt 'bến lậu' là chức năng của thanh tra Sở GTVT - đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông đường bộ.

Vậy có phải ngành giao thông gặp khó khi không xác định được chủ thể vi phạm hay còn một lý do nào khác? Và liệu có cần thêm văn bản quy phạm pháp luật nào khác để xác định thế nào là điểm đón trả trái phép (bến dù, bến cóc) nữa thì mới xử phạt được hay không?

Vấn nạn sẽ còn "dai dẳng"

Như Báo điện tử Chính phủ đã phản ánh, tình trạng "xe dù, bến cóc", xe trá hình ở TP Hồ Chí Minh chưa bao giờ hết "nóng", thách thức lực lượng chức năng. Các xe giường nằm chạy tuyến cố định nhưng dán biển hiệu xe hợp đồng không chỉ đón trả khách tại văn phòng của nhà xe ở các quận trung tâm mà địa điểm tạo thành các "bến cóc" đã trở nên đa dạng hơn, phổ biến hơn: Trước các khu du lịch, dưới chân cầu bộ hành, trước trạm xe buýt, các trạm xăng, bãi xe, bãi đất trống… Nhiều nhà xe ngang nhiên dừng hẳn 20-30 phút để chờ đón khách.

Điều đáng nói là dù xe ra vào tấp nập giữa ban ngày nhưng không ghi nhận sự có mặt của lực lượng chức năng, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, gây nên tình trạng lộn xộn hơn trên nhiều tuyến đường.

Việc các xe khách, xe giường nằm khổ lớn vào nội đô ngang nhiên đón trả khách tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Chỗ nào có bến cóc, chỗ đó có bảo kê, có mất an ninh trật tự. Vấn nạn xe giường nằm khổ lớn vô tư ra vào nội đô để đón trả khách đang là câu chuyện nhức nhối nhưng không có chế tài gì hiệu quả. "Bến cóc, xe dù", xe đón trả khách hoạt động rầm rộ, người dân biết, báo chí liên tục phản ánh thì không có lý do gì mà cơ quan chức năng không biết và không xử lý được. Nếu quy định pháp luật được thực thi nghiêm thì không thể có chỗ cho "xe dù, bến cóc" hoạt động.

Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 11 đã trình UBND Thành phố phương án cấm xe khách giường nằm đi vào nội đô từ ngày 15/12. Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND Thành phố vẫn chưa có ý kiến gì đối với đề xuất này.

Việc xử lý thiếu quyết liệt, không loại trừ có lợi ích nhóm của cơ quan chức năng sẽ khiến cho các xe giường nằm khổ lớn vô tư ra vào nội đô đón, trả khách và vấn nạn "xe dù, bến cóc" sẽ còn dai dẳng. Thành phố tiếp tục thất thu ngân sách, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tiếp tục bị đe dọa và thị trường vận tải hành khách tiếp tục méo mó.

Các địa phương khác làm được, không có lý do gì TP Hồ Chí Minh không làm được và cũng không thể vin vào lý do "tạo thuận lợi cho người dân" để che đậy những sự tùy tiện vì lợi ích của một nhóm người, gây phiền toái cho cả thành phố, nhất là thời điểm cuối năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước