Chiều 26/9, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Ban Chỉ đạo đã thông tin thêm về kế hoạch "mở cửa" sau ngày 30/9.
Theo đó, kế hoạch này tùy thuộc vào quy định của Bộ Y tế liên quan đến hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Hiện hướng dẫn này chỉ mới là dự thảo nên các kế hoạch thành phố xây dựng cũng mới là dự thảo nên chưa thể công bố chính xác ở thời điểm này.
Để đảm bảo yếu tố khách quan, phù hợp với diễn biến phòng, chống dịch trên địa bàn, mới đây ngay 24/9, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc "mở cửa" nền kinh tế. Văn bản này ghi rõ, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá rất cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tuy nhiên với đặc thù của thành phố, UBND thành phố đề nghị Thủ tướng xem xét cho thành phố áp dụng quy định riêng do Thủ tướng Chính phủ quyết định để có thể "mở cửa" nền kinh tế.
Thành phố sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về vấn đề này. Đồng thời, UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm ưu tiên vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn.
"Theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về "Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" có một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như chưa phù hợp với thực tế lịch sử, địa lý, dân số…", ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân UBND thành phố có văn bản nêu trên.
Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải. Ảnh: TTBC TP Hồ Chí Minh
Được biết, dự thảo Hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" là văn bản quan trọng điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới và đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp trước khi ban hành.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hướng dẫn nhằm hai mục tiêu chính là hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Dự thảo hướng dẫn nêu lên 3 chỉ số bắt buộc gồm: ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19; 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng; các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.
Các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19. Quy mô đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng tại cấp xã, phường và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm hoặc nhỏ hơn.
Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm 4 cấp: Cấp 1 (nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh); cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng); cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam); cấp 4 (nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ).
Theo đó, chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!