Ngày 14/7, Việt Nam công bố báo cáo Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019. Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 được thực hiện trên gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15-64, sinh sống tại 63 tỉnh và thành phố của Việt Nam.
Báo cáo chỉ ra rằng gần 63% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo hành, bao gồm bạo hành về thể xác, tình dục, tâm lý và kinh tế. Cũng theo báo cáo này, 31,6% phụ nữ đang là nạn nhân bị bạo hành trong 12 tháng gần đây.
Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ các loại hình bạo lực khác đối với phụ nữ do chồng gây ra trong năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010. Sự thay đổi tích cực này có lẽ đang diễn ra ở nhóm phụ nữ trẻ. Họ sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn, biết bảo vệ mình hơn trước bạo lực.
"Họ sẵn sàng chia sẻ, họ sẵn sàng đấu tranh, phản bác, phê phán thậm chí sẵn sàng tố giác về bạo lực đối với phụ nữ" - Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời lại, năm 2019 là 13,3% còn năm 2010 chỉ có 9%.
"Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi bị anh nắm tóc đập đầu vào giường trong phòng ngủ của hai đứa. Lúc đó tôi choáng váng và sa sẩm hết mặt mày. Anh hay ghen lung tung và tin lời người khác. Mỗi lần như vậy, tôi lại bị đánh" - một trong những phụ nữ tham gia vào cuộc Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam chia sẻ.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng: "Có những phụ nữ đang mang thai cũng bị chồng đấm, đá, dẫn đến nguy cơ phải bỏ thai. Điều tra cũng cho thấy, phụ nữ khuyết tật bị bạo lực nhiều hơn những phụ nữ khác. 4,4% phụ nữ cho biết, họ đã bị lạm dụng tình dục trước 15 tuổi. Rõ ràng, phải chấm dứt bạo lực với phụ nữ. Đó là trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức".
Bạo lực với phụ nữ gây nhiều hậu quả, chỉ riêng về kinh tế, thiệt hại ước tính khoảng 1,8% GDP. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và "văn hóa đổ lỗi" là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Hà cho biết phụ nữ Việt Nam đối mặt với nguy cơ bạo hành cao. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội.
Thực trạng này cũng được phản ánh trong số liệu của cuộc điều tra Quốc gia. Trong đó, một nửa phụ nữ bị chồng bạo hành chưa từng chia sẻ với ai, hầu hết phụ nữ (90,4%) không tìm kiếm sự trợ giúp sau khi chịu bạo hành về thể xác hoặc tình dục.
Theo cuộc điều tra quốc gia, con cái của 61,4% phụ nữ bị chồng bạo hành từng phải chứng kiến hoặc nghe thấy nạn bạo hành. Báo cáo cho rằng những đứa trẻ này (5-12 tuổi) thường gặp vấn đề về hành vi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!