Hình ảnh người chồng là võ sư hành hung vợ khi đang ôm con nhỏ ở Hà Nội. Ảnh: Dân trí.
Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 sẽ được công bố vào ngày mai (14/7). Đây là điều tra lần thứ hai do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện. Từ đó, cho thấy những thay đổi tích cực và tồn tại hạn chế so với kết quả điều tra lần đầu tiên vào năm 2010, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện thành công điều tra lần thứ hai này.
Kết quả điều tra lần đầu tiên vào 2010 cho thấy: phụ nữ bị bạo hành có tỷ lệ là 58%. Trong đó: phụ nữ bị bạo lực thể xác là 32%. Còn phụ nữ bị bạo lực tình dục là gần 10%. Điều này thấy rõ hơn ở nhóm phụ nữ trẻ.
Không riêng gì Việt Nam hay các nước phương Đông, bạo lực gia đình cũng đang là một vấn đề lớn ở các quốc gia phương Tây, trong đó có Nga. Sau khi nước này áp đặt lệnh đóng cửa trên toàn quốc hồi tháng 3, những người ủng hộ quyền của phụ nữ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc gia tăng các vụ bạo lực gia đình, đồng thời kêu gọi hành động để bảo vệ nạn nhân. Nhưng chỉ có một số ít phụ nữ có thể thoát khỏi cảnh ngộ này. Nhiều nơi trú ngụ giành cho phụ nữ bị bạo hành đã quá tải. Một chủ khách sạn ở Moskva đã biến những phòng khách sạn đang vắng khách trong dịp COVID-19 thành nơi trú ẩn cho phụ nữ bị bạo hành.
Thúc đẩy bình đẳng giới - xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ
Ở Việt Nam cũng có một ngôi nhà được gọi là ngôi nhà bình yên để các chị em có thể lánh nạn và phục hồi sau những cuộc bạo hành. Nhưng đó là chỉ là mái nhà tạm, ngôi nhà mà những phụ nữ luôn ao ước được sống là mái ấm của chính họ với sự yêu thương của người thân. Những mái ấm gia đình giờ đây luôn đứng bên bờ vực tan vỡ, khi một nghiên cứu đã chỉ ra cứ 3 cặp đôi kết hôn thì có 1 cặp sẽ ly hôn.
Trong xã hội Châu Á từ chỗ cam chịu chứ không ly hôn thì nay tư tưởng cởi mở cùng nhiều nguyên nhân đã dấn đến tỷ lệ ly hôn tăng cao, như tại Trung Quốc năm 2019 đã có 4,15 triệu cặp vợ chồng ly hôn. Những giá trị gia đình không còn được coi trọng. Nhiều người đang đổ lỗi cho Wechat hay là các ứng dụng nhắn tin tương tự khiến việc tìm kiếm những mối quan hệ mới và ngoại tình trở nên dễ dàng hơn.
Có lẽ lớp học gần gũi và sống động nhất với mỗi con người về hôn nhân và gia đình là từ chính trong mỗi mái nhà, đứa trẻ cần được cha mẹ tâm sự ngay cả những chuyện được coi là chuyện của người lớn, chuyện về sống hòa hợp, thuận vợ thuận chồng để tránh đổ vỡ. Và một trong những nguyên nhân khiến gia đình đổ vỡ chính là bạo lực gia đình.
Bạo lực là hành vi có tính tiếp thu có nghĩa là liên quan đến nhận thức của con người. Hành vi này có thể được ngăn chặn và chúng ta cần hành động ngay. Đây cũng chính là lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cùng với lời kêu gọi khẩn thiết chấm dứt bạo lực trên khắp toàn cầu. Ông đã nhấn mạnh bạo lực không chỉ giới hạn trên chiến trường. Đối với nhiều phụ nữ và trẻ em gái, mối đe dọa lại hiện hữu lớn nhất ở nơi mà lẽ ra là nơi an toàn nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!