Trải qua gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã định hướng phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa có những bước vận động rất quan trọng. Nhờ đó, sự nghiệp văn hóa đất nước 35 năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng cũng còn những tồn tại, thách thức trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Ngày 24/11 tới đây, Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trước thềm sự kiện quan trọng này, chúng ta hãy cùng nhìn lại những thành tựu nổi bật và những thách thức của văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Năm 1987, Việt Nam tham gia Thập kỷ quốc tế về phát triển văn hóa của UNESCO. Văn hóa Việt Nam bắt đầu chuyển mình từ cột mốc này. Đến cuối những năm 90 của thế kỷ XX, quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần, đồng thời là mục tiêu và động lực của sự phát triển đã được khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Đảng. Điều đó đã xoay chuyển nhận thức, tạo ra sự hồi sinh của nhiều giá trị truyền thống bị mai một, thậm chí từng bị lãng quên.
35 năm Đổi mới, văn hóa công quyền, văn hóa pháp luật, thị trường văn hóa, đặc biệt các chỉ số phát triển con người Việt Nam đã có nhiều bước tiến so với khu vực và thế giới. Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam có tên trong số 52 nước có Chỉ số phát triển con người cao. Khoảng 50 triệu người được xóa đói giảm nghèo, giúp Việt Nam cán đích mục tiêu Thiên niên kỷ sớm hơn 10 năm so với cam kết với Liên Hợp Quốc. Gần 30 di sản được vinh danh là di sản thế giới.
Tuy nhiên, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ, văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống xuống cấp nghiêm trọng
Thời gian qua, hàng loạt đại án bị lôi ra ánh sáng trong cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm đã củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Đảng chú trọng xây dựng văn hóa trong mỗi cán bộ Đảng viên, để lan tỏa văn hóa đẹp trong toàn dân. Việc Đại hội XIII xác định con người là trung tâm của văn hóa, khơi dậy khát vọng hùng cường chính là tầm nhìn của tương lai, là chìa khóa cho sự phát triển bền vững đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!