Vẫn còn nhiều khó khăn khi ứng dụng chuyển đổi số để phòng chống hàng giả

Thế Hà, Hà Giang, Phạm Bằng-Thứ bảy, ngày 16/11/2024 20:11 GMT+7

VTV.vn - Thủ đoạn làm hàng giả ngày càng tinh vi, đòi hỏi các giải pháp công nghệ mới phải được cập nhật và áp dụng để tăng khả năng chống hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Livestream chào bán hàng thật nhưng giao hàng giả; hàng loạt trang web với tên miền không uy tín mọc lên nhan nhản khẳng định chắc nịch bán hàng chính hãng,… Đó là những thách thức mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối diện khi hoạt động kinh doanh thương mại dần chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang môi trường số hóa. Trước thực tế này, việc tìm ra các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số để phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là yêu cầu cấp bách.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng những cách như in mã QR lên sản phẩm để dẫn tới website chính thức của doanh nghiệp, dán tem phản quang, tem chống hàng giả công nghệ nước, công nghệ nhiệt,... nhằm chống hàng giả, hàng nhái. Nhưng những cách này chưa thực sự hiệu quả khi các thủ đoạn làm hàng giả ngày càng tinh vi, nhất là khi thương mại điện tử ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn cho biết, khó khăn lớn nhất để thực hiện vấn đề chống hàng giả trên không gian mạng là doanh nghiệp đang chiến đấu với những bóng ma, tức là thoắt ẩn thoắt hiện. "Ví dụ hôm nay chúng ta chặn trang này, thì ngày mai sẽ có trang khác mọc lên, đó là một trong những nan giải". 

Khó khăn nằm ở chỗ những trang web, tài khoản mạng xã hội này rất khó kiểm soát, khó truy cứu được người đứng sau.

Trong một buổi hội thảo mới đây, nhiều giải pháp ứng dụng chuyển đổi số để phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được đặt ra. Trong đó có ứng dụng các công nghệ mới như Blockchain để tăng khả năng giám sát cho doanh nghiệp bằng cách tạo ra những mã sản phẩm riêng biệt cho nhà sản xuất.

Tiến sĩ Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam cho biết, ''Chính phủ ngày 22/10/2024 đã ra quyết định về chiến lược phát triển Blockchain Việt Nam. Tôi nghĩ đây là quyết định mang tính rất thời sự và đúng thời điểm. Bây giờ đưa công nghệ Blockchain vào, đặc biệt trong lĩnh vực chống hàng nhái hàng giả, vì đặc tính của công nghệ Blockchain là rất minh bạch và khó thay đổi được những thông tin ở trên đấy".

Tuy nhiên theo các chuyên gia vẫn còn nhiều rào cản trong công tác chuyển đổi số để bảo vệ thương hiệu, đặc biệt là khi trí tuệ nhân tạo ra đời khiến môi trường số trở nên phức tạp.

Để hàng giả không còn đất sống, đặc biệt là hàng giả trên môi trường số thì không thể thực hiện đơn lẻ, mà đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa ba nhà: Nhà nước, nhà sản xuất và nhà dân, là những người tiêu dùng.

Ông Trần Giang Khê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng ta cần có sự ra quân đồng bộ của các cơ quan, ban ngành. Không chỉ có quản lý thị trường, thanh tra, mà cả các cơ quan khác ví dụ như hàng xuất nhập khẩu thủy hải quan, cơ quan Công an, các cơ quan chuyên môn, Ban 389. Đặc biệt, sự ra quân của chính người tiêu dùng, những người tiêu dùng thông thái, những người tiêu dùng thông minh và kể cả những hiệp hội họ lên tiếng tố cáo, tẩy chay những hàng gian, hàng giả".

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã phát hiện hơn 64.000 vụ hàng giả, hàng nhập lậu, trong đó có hơn 3.000 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Hiện lực lượng quản lý thị trường đang đẩy mạnh rà soát, tổ chức các đợt tuần tra truy quét hàng gian hàng giả, đặc biệt là vào dịp cuối năm cận Tết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước