Lo lắng về những cuộc chiến giành giật vé đến với concert của các thần tượng, không ít người hâm mộ sẵn sàng xuống tay chi tiền cho các dịch vụ săn vé để đổi lấy sự yên tâm. Các đối tượng lừa đảo nắm bắt tâm lý này nên đã tạo các trang mạng xã hội với đầy đủ thông tin như chính chủ, nhiều người không kiểm tra kĩ lưỡng dễ dàng bị sa bẫy, mất đến hàng chục triệu đồng.
Hình thức lừa đảo này khá phổ biến, có những kẻ yêu cầu người mua đặt cọc trước để giữ vé. Sau khi nhận tiền, kẻ gian biến mất, để lại người mua mà không có vé và không thể liên lạc. Những kẻ này đánh vào tâm lý mong muốn mua được vé sớm với giá thấp, vì nếu đợi thêm một thời gian nữa, giá vé tại các hội mua bán lại sẽ cao hơn rất nhiều. Đáng nói, những kẻ lừa đảo khi giao dịch còn gửi ảnh chứng minh thư để chiếm lòng tin, nhưng sau khi tiền chuyển đi thì chặn mọi liên lạc với nạn nhân.
Thậm chí, sau khi mua được vé, check được mã vé thì khi đến concert, ban tổ chức thông báo mã vé này đã có người dùng, nạn nhân đành bất lực vì vừa mất tiền, vừa không được gặp thần tượng.
Việc giao dịch qua mạng xã hội phần lớn đều dựa vào niềm tin, khi mọi thông tin về đối phương chỉ là những thuật toán. Vậy nên, những kẻ lừa đảo dễ dàng đeo mặt nạ và thực hiện hành vi phạm pháp. Do đó, Nghị định 147 vừa được Chính phủ ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12 tới đã quy định rõ: Chỉ những tài khoản mạng xã hội được xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh mới được đăng bài, bình luận, livestream. Điều này có thể sẽ giúp ích rất nhiều trong việc ngăn chặn, truy vết và xử lý những hành vi lừa đảo trực tuyến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!