Ứng phó với bão số 3: Sẵn sàng xử lý mọi tình huống

PV-Thứ năm, ngày 05/09/2024 16:42 GMT+7

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động ứng phó, sẵn sàng xử lý mọi tình huống có thể xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Di dời người dân, phương tiện đến nơi an toàn

Để chủ động ứng phó bão số 3, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể; thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và tập trung triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống.

Tính đến sáng 5/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thông báo đến tất cả 119 phương tiện/267 thuyền viên về diễn biến và hướng di chuyển của bão để có biện pháp phòng tránh; trong đó 105 phương tiện/220 thuyền viên đã neo đậu vào nơi tránh trú an toàn. Hiện, còn 14 phương tiện/47 thuyền viên đang trên đường vào nơi tránh trú, dự kiến sẽ về nơi an toàn trong chiều 5/9.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thông báo cho toàn bộ 218 lều chòi/374 lao động chủ động di dời vào nơi tránh trú bão an toàn khi có lệnh; trong đó, có 161 lao động đã vào bờ, còn 186 lao động đang trên đường vào bờ.

Về công tác di dân từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III (thuộc huyện Kim Sơn), tỉnh Ninh Bình đã thông báo cho 1.141 hộ/2.311 nhân khẩu đang nuôi trồng thủy sản ở khu vực này biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, sẵn sàng di dời về nơi tránh trú an toàn khi có lệnh.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kim Sơn tổ chức trực ban 24/24 giờ tại các vị trí trọng điểm, tiến hành tuần tra, canh gác và bảo vệ, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra tại các trọng điểm về đê điều như: tuyến đê biển Bình Minh III; kè Xuân Đài, cấp III từ K71+895÷K72+750; kè Hữu Vạc, cấp III từ K23+600÷K25+900; cống Lạc Thiện 1; đê biển Bình Minh III đoạn từ Km12+475 đến Km13+075, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn; tuyến đê Hữu Đáy, đoạn từ Km68+514 đến Km69+514, tại các xã Hùng Tiến và Như Hòa, huyện Kim Sơn.

Huyện Kim Sơn dự kiến nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, kêu gọi triệt để các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn trước 15 giờ ngày 5/9; tạm ngừng hoạt động các tuyến đò ngang kể từ 15 giờ ngày 6/9 đến khi bão tan; di dời người dân khu vực từ đê biển Bình Minh III đến Cồn Mờ về nơi tránh, trú an toàn và triệt để, xong trước 15 giờ ngày 6/9.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kim Sơn cử lực lượng tuần tra, canh gác, hộ đê, đặc biệt là các trọng điểm công trình xung yếu trên địa bàn huyện, chuẩn bị sẵn các nguồn lực để phòng, chống ngập lụt cho diện tích lúa Mùa khi xảy ra mưa lớn kéo dài và đảm bảo an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản.

* Thanh Hóa không chủ quan, lơ là

Ứng phó với bão số 3: Sẵn sàng xử lý mọi tình huống - Ảnh 1.

Tàu thuyền về tới khu neo đậu tránh trú bão Lạch Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, tính đến 9 giờ 30 phút ngày 5/9, toàn tỉnh còn 882 tàu, thuyền với 5.350 lao động vẫn hoạt động trên biển.

Toàn bộ số người và phương tiện trên đã nắm được thông tin về vùng áp thấp, bão và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương 1-2 lần/ngày. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng có 5.234 phương tiện với 14.551 lao động đã vào các vị trí tránh trú bão trong và ngoài tỉnh.

Hiện, Bộ đội Biên phòng triển khai lực lượng, phương tiện thường trực phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; duy trì 2 tàu BP 05-98-01, BP 05-13-01 và xuồng BP 05-15-01 trực sẵn sàng cơ động; tích cực kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 3 để chủ động vòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm và nhanh chóng vào các nơi tránh trú an toàn.

Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, dự báo từ đêm 6/9, khu vực vùng biển Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 10, cấp 11, biển động mạnh. Trên đất liền, từ gần sáng 7/9, vùng ven biển Thanh Hóa (bao gồm các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoàng Hóa, Quảng Xương, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 4-5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7. Vùng biển ven bờ Thanh Hóa sẽ có sóng cao từ 1-2m, ngoài khơi từ 2-3m, nước dâng và nguy cơ ngập lụt vùng ven biển. Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, các tuyến đê, kè biển… đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng do bão.

Dự báo từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, riêng khu vực các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước, Quan Hóa… có nơi trên 400mm. Mưa lớn sẽ tập trung vào ngày và đêm 7/9, có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Hiện, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 theo phương châm không chủ quan, lơ là, không để bị động, bất ngờ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin nhanh, siêu bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên cấp 16, giật trên cấp 17.

Hồi 14 giờ ngày 5/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông; sức gió mạnh nhất cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10km/h.

Đến 13 giờ ngày 6/9, bão đi theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10-15km/h; trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 510km về phía Đông Đông Nam; sức gió mạnh nhất cấp 16, giật trên cấp 17. Độ rủi ro thiên tai khu vực phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông cấp 4.

Đến 13 giờ ngày 7/9, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc trên vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Nam Định, tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu dần; sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15; độ rủi ro thiên tai phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ cấp 4; phía Tây của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ và phía Nam vịnh Bắc Bộ cấp 3

Đến 13 giờ ngày 8/9, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc, trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu dần thành vùng áp thấp; sức gió mạnh nhất cấp 6; độ rủi ro thiên tai khu vực vịnh Bắc Bộ ở cấp 3

Dự báo tác động của bão, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Từ khoảng trưa 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Trên đất liền, từ gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Trên biển, khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 7-9m, vùng gần tâm siêu bão 10-12m. Biển động dữ dội. Từ trưa 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2-4m, sau tăng lên 3-5m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8m.

Từ gần sáng 7/9, vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sóng cao 2-3m, sau tăng lên 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m. Khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5 (Thanh Hóa) - 1,8m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7/9 và hiện tượng nước rút do bão từ 0,5 (Thanh Hóa) - 1m (Quảng Ninh) vào sáng 7/9. Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão.

Về tình hình mưa lớn, từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước