Trí thức kiều bào tin tưởng vào Nghị quyết 57

Bình An-Chủ nhật, ngày 12/01/2025 22:04 GMT+7

VTV.vn - Nhiều điểm đổi mới trong Nghị quyết 57 được kỳ vọng thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Sự ra đời của Nghị quyết số 57 đáp ứng được sự mong đợi không chỉ của cộng đồng khoa học và công nghệ trong nước, mà còn cả cộng đồng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trí thức người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Nhiều điểm đổi mới trong Nghị quyết 57 được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết các điểm nghẽn, giải phóng sức sáng tạo, sức lao động và nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ, đồng thời thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Nghị quyết 57 cho phép thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Trường hợp nghiên cứu không thành công, nhà khoa học có thể dừng lại mà không phải bồi thường kinh phí, thay vào đó công bố kết quả không thành công để cộng đồng khoa học tránh lặp lại sai lầm.

"Tôi nghĩ là đây là một điểm rất tiến bộ và cần thiết để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. NSF là quỹ nghiên cứu phát triển khoa học của Hoa Kỳ thì tỷ lệ chấp nhận funding của họ là 26% đến 28%", TS. Trịnh Duy Tân (nghiên cứu viên cấp cao, Tập đoàn Western Digital, Hoa Kỳ) đánh giá.

Trí thức kiều bào tin tưởng vào Nghị quyết 57 - Ảnh 1.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực dẫn dắt kinh tế phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. (Ảnh minh họa - Ảnh: QĐND)

"Tôi cho rằng đây sẽ tạo động lực để cho các nhà khoa học dám dấn thân vào nghiên cứu khoa học và nghiên cứu về các đồ án, dự án có tính rủi ro cao", GS. TS. Hy Trường Sơn (Đại học Alabama, thành phố Birmingham, Hoa Kỳ) nhận định.

Bước đột phá thứ hai trong Nghị Quyết 57 là việc tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, đến 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GDP.

"Năm 2023, Việt Nam chi ngân sách cho nghiên cứu khoa học chỉ đạt 0,8%. Do có quá nhiều rào cản về tài chính để có thể giải ngân một cách kịp thời nhằm đầu tư vào nghiên cứu khoa học. Nghị quyết 57 giải quyết những ràng buộc dẫn đến việc đầu tư vào nghiên cứu khoa học còn thấp", GS. Nghiêm Đức Long (Chủ tịch Hội các nhà khoa học và trí thức người Việt tại Australia) cho biết.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ tạo niềm tin mạnh mẽ, giúp thu hút thêm nhiều tài năng khoa học ở nước ngoài, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

"Tổng Bí thư thể hiện một cam kết mạnh mẽ như vậy thì sẽ có tác động rất lớn đến niềm tin. Hội đồng tư vấn có sự tham gia của cả các chuyên gia quốc tế thì rõ ràng đây là cơ hội cho kiều bào trí thức. Họ luôn luôn muốn hướng về Việt Nam và đóng góp cho Việt Nam. Nếu bây giờ có cơ hội tham gia vào cả Hội đồng tư vấn thì tuyệt vời quá", GS.TS. Nguyễn Xuân Huấn (Chủ tịch Hội Trí thức Việt tại Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland) nêu quan điểm.

Nghị quyết 57 đã vạch ra tầm nhìn và mục tiêu cụ thể, bao gồm quy mô kinh tế số tới năm 2030 tối thiểu đạt 30% GDP; đến năm 2045 đạt 50%; đưa Việt Nam trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực dẫn dắt kinh tế phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết 57 trong phát triển khoa học công nghệ Nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết 57 trong phát triển khoa học công nghệ

VTV.vn - Chính phủ ban hình Nghị quyết số 03 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước