Theo Nghị quyết 57, nhân lực là một trong những yếu tố cốt lõi nhằm tạo đột phá để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao; có cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi nhân tài.
Thực tế cho thấy, để thu hút và giữ chân được người giỏi, giúp họ yên tâm cống hiến, bên cạnh những chính sách đãi ngộ, cần có môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo mà ở đó họ được trao quyền nhiều hơn với các đề tài, dự án nghiên cứu lớn.
Sau 3 năm làm nghiên cứu sinh tại Pháp, Tiến sĩ Bùi Duy Hiếu quay trở lại Việt Nam để làm trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về các thiết bị Internet kết nối vạn vật. Kinh nghiệm và những mối quan hệ nghiên cứu quốc tế đã giúp anh và nhóm nghiên cứu làm chủ được nhiều công nghệ mới nhất hiện nay, hợp tác, chia sẻ những công nghệ độc quyền từ các chuyên gia nước ngoài.
TS. Bùi Duy Hiếu, Trưởng Phòng Nghiên cứu AI và IoT, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Chúng ta muốn thu hút những người có kinh nghiệm về thì không chỉ là tạo điều kiện cho họ mà phải có cơ sở tạo điều kiện để họ xây dựng những nhóm nghiên cứu của mình, từ đó đưa ra các định hướng nghiên cứu mới, theo kịp với các hướng nghiên cứu tiên tiến trên thế giới".
Thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, giữ chân các chuyên gia đầu ngành, "tổng công trình sư" có khả năng triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm là một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 57. Để phát huy được tài năng, các nhà khoa học cần có môi trường làm việc đảm bảo về cơ sở vật chất nghiên cứu và đặc biệt là thúc đẩy tự do khám phá.
"Với các nhà khoa học thì yếu tố họ quan tâm đầu tiên đó là sự minh bạch, minh bạch về quan hệ đối tác, quan hệ làm việc, minh bạch về các cái tiêu chí đánh giá, ngoài yếu tố liên quan đến minh bạch thì các chế độ, chính sách cho họ cũng là một yếu tố giúp thu hút cũng như giữ chân những người có năng lực tham gia cống hiến" - PGS.TS. Hoàng Văn Xiêm, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
PGS.TS. Trần Lê Hưng, Đại học Gustave Eiffel, Cộng hòa Pháp cho biết:"Chúng ta cần tạo ra môi trường làm việc đủ sức cạnh tranh với các bài toán, vấn đề hay, thiết thực, hấp dẫn với các nhà nghiên cứu và các nhà đầu tư".
Việc xây dựng cơ chế thí điểm để thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của nhà nước, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học cũng là yếu tố quan trọng để các nhà khoa học mạnh dạn khám phá các yếu tố mới.
"Đầu tư cho Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một đầu tư lâu dài và có rủi ro. Phải có rủi ro thì mới tạo ra được kết quả đột phá, sáng tạo, mang lại lợi ích rất cao. Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 57 của Bộ chính trị rất là mới để làm sao huy động được, để tháo gỡ những rào cản, giải phóng được sức lao động, sức sáng tạo" - Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.
Nghị định 179 về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vừa được Chính phủ ban hành cũng góp phần thể chế hóa những định hướng trong Nghị quyết 57. Tới đây, sẽ có thêm những chính sách về đổi mới quản lý hoạt động khoa học công nghệ, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển những công nghệ mới… Đây sẽ là tiền đề giúp thu hút các nhà khoa học giỏi, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo đóng góp vào sự phát triển của đất nước
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!