Trẻ lớp 1 học xa nhà: Cần chính sách hỗ trợ cho các em học sinh về mặt tâm lý

Phạm Hà, Thành Luân-Thứ hai, ngày 12/09/2022 18:36 GMT+7

VTV.vn - Đi học xa nhà, những đứa trẻ ở các bản vùng sâu phải xa gia đình để học lấy cái chữ nhưng đằng sau đó là những vấn đề về tâm lý đáng quan tâm.

Những năm gần đây, để đảm bảo cho học sinh hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn, nhất là khi bắt đầu triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Nhà nước có chủ trương dồn các điểm trường lẻ ở các bản làng về tập trung tại điểm trường chính. Học sinh sẽ ăn, ngủ luôn ở trường. Các em được chăm sóc đầy đủ, được hưởng các điều kiện học tập tốt nhưng ngược lại, đang có những bất ổn về tâm lý.

Trẻ lớp 1 học xa nhà: Cần chính sách hỗ trợ cho các em học sinh về mặt tâm lý - Ảnh 1.

Xa nhà trọ học từ lớp 1

Hua Mụa năm nay học lớp 1 trường Tiểu học Vừ Anh Dính, Mù Cang Chải, Yên Bái. Trường rất xa nên em sẽ ở bán trú. Nhà nghèo, hành trang mẹ cho con mang theo chỉ đúng cái túi nylon với vài bộ quần áo. Hơn 1 tiếng đi bộ, mẹ con Hua Mụa đã đến trường.

Trong bữa cơm đầu tiên của Hua Mụa và các bạn, chẳng cần ai giục, bạn nào cũng tự giác xúc cơm. Bữa cơm kết thúc, những em bé lớp 1 được ưu tiên, chỉ cần mang khay ra đưa cho thầy cô, không phải rửa.

Chiều đến, sẽ là giờ tắm gội. Mới đến trường, lại bé bỏng, những em bé lớp 1 được thầy cô hướng dẫn cho cách dùng dầu gội, sữa tắm, cách chải tóc, lau người. Lịch tắm chia nam riêng, nữ riêng.

Trẻ lớp 1 học xa nhà: Cần chính sách hỗ trợ cho các em học sinh về mặt tâm lý - Ảnh 2.

Để các em bớt lạ lẫm, nhà trường đã xếp những bạn là họ hàng, hoặc sống cùng một bản ngủ gần nhau. Những đứa trẻ rồi cũng chìm vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ đêm nay, có cơn mơ nào đến mang theo hình ảnh của ngôi nhà, của mẹ cha, của anh chị, những nỗi nhớ sẽ chẳng dễ nguôi ngoai….

Các thầy cô giáo ở trường cho biết, trong vài tuần đầu đi học xa nhà, nhiều em bé lớp 1 sẽ nhớ nhà đến phát khóc. Những em nhà gần thì cuối tuần sẽ được về với bố mẹ nhưng có những bạn ở xa, bố mẹ đi làm ăn hay có việc đột xuất thì nhiều lúc 1-2 tháng mới được gặp gia đình, người thân.

Trẻ lớp 1 học xa nhà: Cần chính sách hỗ trợ cho các em học sinh về mặt tâm lý - Ảnh 3.

Hiện chưa có một nghiên cứu, đánh giá cụ thể nào về vấn đề tâm lý của các trẻ em bậc tiểu học, nhất là trẻ lớp 1 đã phải xa nhà đi học nhưng có thể thấy, nỗi nhớ nhà chỉ là biểu hiện bên ngoài của những vấn đề tâm lý nếu trẻ phải xa cách gia đình trong thời gian dài.

Nhiều vấn đề tâm lý khi trẻ sớm xa nhà

6 tuổi là một dấu mốc quan trọng trong hình thành cảm xúc, tâm lý, nhân cách. Gia đình đóng vai trò quyết định. Trẻ chỉ cảm thấy an toàn khi được ở bên cạnh những người thân yêu của mình. Nếu phải tách ra khỏi cha mẹ, tách ra khỏi gia đình, nếu nỗi nhớ mong cứ kéo dài, kéo dài mãi, nhiều vấn đề tâm lý sẽ xuất hiện.

Ở các vùng có địa hình hiểm trở, điều kiện thiếu thốn, làm sao để cân bằng giữa quyền lợi được đi học và quyền ở cùng gia đình của trẻ? Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang kiến nghị để bổ sung biên chế giáo viên tâm lý cho các trường này để kịp thời hỗ trợ các em nhưng về lâu dài, cần những giải pháp căn cơ.

Để trẻ đi học xa nhà bớt đi cảm giác thiếu vắng người thân gia đình, theo các chuyên gia tâm lý có một số cách. Với phụ huynh, có thể chuẩn bị cho con những đồ vật mà con yêu thích ở gia đình để mang đến trường. Với các con, thầy cô có thể hướng dẫn trẻ viết thư cho gia đình. Vận động các gia đình để dù hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng đảm bảo đón trẻ về nhà mỗi tuần.

Với các bạn nhỏ ở bậc tiểu học, ngoài việc học, thì việc chăm sóc về tinh thần, nuôi dưỡng về nhân cách, sự động viên và vỗ về tình cảm từ cha mẹ, người thân là điều cũng không thể xem nhẹ. Cần hơn nữa sự tận tụy của các thầy cô giáo tại các điểm trường tập trung và thực sự cần chính sách hỗ trợ cho các em học sinh về mặt tâm lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước