TP Hồ Chí Minh: Xoay xở khi thiếu công chức, viên chức

Thảo My - Đắc Hiến-Thứ ba, ngày 19/07/2022 13:18 GMT+7

VTV.vn - Công việc quá tải khiến nhiều người xin nghỉ việc. Tình trạng này càng khiến số công chức, viên chức cầm cự ở các phường, xã thêm áp lực, mệt mỏi.

Cán bộ công chức làm việc quá tải

Đã hơn 7h tối nhưng văn phòng UBND phường Hiệp Bình Chánh vẫn sáng đèn. Nhiều cán bộ tại đây vẫn miệt mài làm việc.

Hồ sơ quá nhiều, chị Lê Thị Ánh Nguyệt thường xuyên phải ở lại làm thêm đến 8-9h tối.

"Công việc nhiều như vậy ảnh hưởng rất là lớn đến gia đình. Ví dụ điển hình là trong 3 năm vào đây nhận công tác, mình chưa bao giờ được đưa đón con đi học, chưa bao giờ được nấu cho con một bữa cơm" - chị Lê Thị Ánh Nguyệt, công chức tư pháp - hộ tịch, UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Làm việc đến tối muộn khiến nhiều công chức phải đón con về đợi tại nơi làm việc, xong việc mới cho con về nhà.

"Con còn nhỏ thì luôn chọn những trường gần phường rồi chở con về đây để giải quyết tất cả các công việc còn lại trong ngày. Mình phải giải quyết xong để ngày mai trả lời kết quả cho người dân" - chị Trần Thị Mỹ Dung, công chức Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Các cán bộ, công chức tại UBND phường Hiệp Thành, quận 12 cũng trong tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, cán bộ tư pháp - hộ tịch của phường cho biết do địa bàn hơn 120.000 dân nên số hồ sơ, thủ tục cần giải quyết rất lớn. Việc nhiều nhưng thiếu người nên chị Loan phải kiêm luôn hàng chục đầu việc, tăng ca cuối tuần.

TP Hồ Chí Minh: Xoay xở khi thiếu công chức, viên chức - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: NLĐO.

Tăng giờ làm đến 7-8h tối, thậm chí cả cuối tuần, dù các phường đã linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để giảm tải cho cán bộ công chức và người dân bớt thời gian chờ đợi nhưng cũng không cải thiện được nhiều.

Mặc dù rất cố gắng làm việc ngoài giờ nhưng ở nhiều phường xã, tình trạng tồn đọng hồ sơ vẫn diễn ra. Người dân đến làm thủ tục hành chính phải chờ đợi lâu, nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì không chịu nổi áp lực đã nghỉ việc. Đây là hệ quả của sự quá tải ở các phường, xã tại TP Hồ Chí Minh.

Hệ quả khi cán bộ công chức làm việc quá tải

Gần 4h chiều thứ Sáu nhưng nhiều người vẫn phải chờ đến lượt làm hồ sơ. Dù phường Hiệp Thành đã linh hoạt kéo dài thêm giờ làm việc nhưng tình trạng người dân chờ đợi như thế này vẫn diễn ra.

Em Đỗ Phạm Thảo Chi (phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Ở đây dân khá đông nên mỗi lần đi làm phải chờ 1 tiếng, hoặc hơn tiếng đồng hồ".

Bà Trần Thị Xuân Mai (phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh) cho hay: "Làm thủ tục gì tôi cũng phải nghỉ một buổi. Hôm nay tôi phải nghỉ buổi chiều mà bây giờ gần 4h rồi thì chắc ngày mai phải nghỉ một buổi nữa".

Người dân chờ đợi, lãng phí thời gian đã đành nhưng hệ quả của sự quá tải còn ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Đặc biệt, cán bộ công chức có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào.

TP Hồ Chí Minh: Xoay xở khi thiếu công chức, viên chức - Ảnh 2.

Khi cán bộ công chức chuyển nơi làm hoặc xin nghỉ việc, tuyển dụng khó khăn, gánh nặng công việc đè lên vai cán bộ quản lý và những người ở lại.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh - chia sẻ: "Số lượng cán bộ, công chức, người lao động chuyên trách giảm và rất thiếu so với áp lực công việc hiện nay. Do đó, trong thời gian vừa qua cũng có một số anh chị em không chịu nổi áp lực công việc hoặc vì lý do gia đình nên đã xin nghỉ hoặc chuyển công tác".

Ông Đặng Hải Bình - Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Khi có những công việc tăng lên hoặc khi có những nhân sự, chẳng hạn như là có cán bộ, công chức xin nghỉ hay có công chức xin chuyển thì Ủy ban phường cũng phải kiến nghị ở cấp quận và phải chờ rất lâu mới được bố trí người. Việc này dẫn đến rất bị động trong tình hình khối lượng công việc lớn như hiện nay".

Kiêm nhiệm, thời gian làm việc kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng làm việc. Người mệt mỏi thì xin nghỉ việc. Người ở lại đã quá tải nay lại phải choàng gánh thêm hàng chục đầu việc. Cán bộ quản lý thì thấp thỏm với nỗ lo nhân sự nghỉ việc.

Mặc dù công chức, viên chức ở các phường, xã luôn trong tình trạng thiếu nhưng theo thống kê hiện nay, sau 5 năm thực hiện giảm biên chế, TP Hồ Chí Minh vẫn bị "dư dôi" hơn 5.700 chỉ tiêu so với biên chế được giao. Vậy TP Hồ Chí Minh bị thừa hay là thiếu công chức?

Theo thống kê, hiện nay TP Hồ Chí Minh có 10 xã, phường có dân số trên 100.000 người, đặc biệt tập trung ở các quận huyện vùng ven, hoặc nơi dân nhập cư nhiều như Bình Chánh, Bình Tân, quận 12, TP Thủ Đức…

Số dân bình quân ở những phường này có thể tương đương dân số một quận, thậm chí bằng một nửa dân số của một số tỉnh. Thế nhưng, biên chế cán bộ công chức vẫn được duyệt theo quy định là trên 30 người. Cá biệt như xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có trên 170.000 dân nhưng cũng chỉ có 36 cán bộ công chức.

Như vậy, nếu tính trên số dân tại các quận, huyện thì ở TP Hồ Chí Minh đang cao gấp 3,2 lần so với các địa phương khác. Điều này cũng có nghĩa là cán bộ công chức của thành phố này đang phải gồng gánh số lượng công việc trên số dân cao gấp 3,2 lần các địa phương khác.

Như vậy, nếu tính đổ đầu theo đơn vị quận, huyện thì TP Hồ Chí Minh đang dôi dư hơn 5.700 biên chế. Nhưng nếu tính số lượng cán bộ công chức trên số dân thì TP Hồ Chí Minh lại đang thiếu. Ở nhiều phường, xã, trước tình trạng này thì đã có nhiều giải pháp được áp dụng.

Giải pháp giảm tải áp lực cho cán bộ công chức

12h trưa vẫn có những người dân đến làm thủ tục. Vào các buổi trưa thứ 2,4,6, cán bộ công chức ở UBND quận 12 vẫn thay nhau trực để giải quyết hồ sơ cho người dân.

Giải quyết hồ sơ buổi trưa không chỉ thuận tiện cho người dân mà còn tạo điều kiện để cán bộ công chức có thể luân phiên "được" về đúng giờ.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương xây dựng đô thị thông minh, nhiều thủ tục hành chính đã được số hóa, thực hiện thủ tục công trực tuyến cấp độ 3, 4. Người dân chỉ việc ngồi tại nhà nộp hồ sơ trực tuyến và kết quả sẽ được gửi về tận nhà.

Hiện nay, các quận huyện thực hiện 23 thủ tục dịch vụ công trực tuyến, ở cấp phường là 11 thủ tục. Từ nay đến cuối năm 2022, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai phần mềm dùng chung để các quận huyện tăng tổng số thủ tục trực tuyến lên 41.

TP Hồ Chí Minh: Xoay xở khi thiếu công chức, viên chức - Ảnh 3.

Không chỉ tăng số thủ tục trực tuyến, nhiều sáng kiến được triển khai như "Video hóa" hướng dẫn quy trình thủ tục, cập nhật công khai để người dân ngồi nhà tìm hiểu mà không cần liên hệ với cán bộ hướng dẫn.

Đó là những giải pháp để nâng cao hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với đặc thù của một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, vấn đề không chỉ là chuyện lớn hơn về mật độ dân cư mà các vấn đề đời sống của một đô thị lớn cũng phức tạp hơn, nhiều việc cần phải giải quyết hơn.

TP Hồ Chí Minh đề xuất cơ chế đặc thù tuyển dụng các bộ công chức

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh - nói: "Biên chế của quận và phường phải có yếu tố liên quan dân số, nếu không thì không cách nào công chức thành phố phục vụ gấp 3 lần, không thể chịu nổi. Hoặc là quá tải hoặc là sai sót hoặc là xin thôi".

"Chúng tôi kiến nghị Trung ương và thành phố xem xét bổ sung thêm cán bộ công chức cho phường xã dân số đông, cán bộ không chuyên trách bổ sung lương, số lượng và vị trí cho cán bộ không chuyên trách" - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh nói.

"Rất mong cấp trên xem xét định mức bố trí cán bộ, công chức cho phường xã loại 1 có đặc thù đông dân số, nên có cơ chế để bố trí tăng thêm tỉ lệ nhất định tương ứng với tỉ lệ dân số của phường, đông dân. Như vậy thì về lâu dài mới đáp ứng được việc phục vụ cho người dân" - Chủ tịch UBND Phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước