Trong 5 bước giải quyết thủ tục hành chính gồm: hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nhân viên Bưu điện Việt Nam có thể thực hiện 4/5 bước như một công chức tại bộ phận một cửa, trừ công tác giải quyết thủ tục hành chính.
Thực hiện Quyết định 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đang khẩn trương làm việc với các địa phương để nhanh chóng đưa quyết sách của Chính phủ vào cuộc sống. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận một cửa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như đem lại sự thuận tiện và các lợi ích thiết thực cho người dân, các địa phương được phép chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công cho doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện.
Cả nước hiện có hơn 40 tỉnh, thành phố triển khai việc bố trí trụ sở, trang thiết bị của bộ phận một cửa các cấp tại Bưu điện và bố trí nhân viên bưu điện tại bộ phận một cửa các cấp, từ tỉnh, thành phố đến quận, huyện, xã phường. Gần 300 nhân viên bưu điện đã trực tiếp thực hiện thành thạo các công việc tại Bộ phận một cửa như một công chức.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, với Quyết định 468/QĐ công việc, trách nhiệm của nhân viên Bưu điện sẽ thực hiện như công chức tại bộ phận một cửa.
Tại Hà Tĩnh, hiện đã có 8/13 địa phương cấp huyện và 9 Sở triển khai việc bàn giao một số công việc cho nhân viên bưu điện tỉnh đảm nhiệm. Riêng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, giờ đây chỉ cần 3 nhân viên bưu điện đã có thể đảm nhiệm hết các phần việc tại Bộ phận một cửa của 9 Sở, ngành. Bên cạnh đó tại địa phương cấp huyện cũng chỉ cần bố trí 02 nhân viên Bưu điện thay thế cho các công chức trước đó được cử ra làm nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC.
Đại diện Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh cho biết, khi triển khai Quyết định 468, cơ quan quản lý Nhà nước tiết kiệm được nhiều nhân lực trong thời điểm tinh giản biên chế hiện nay. Công việc được gom lại và hiệu quả cao hơn, khi nhân viên bưu điện sẽ tham gia hướng dẫn hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cho nhiều đơn vị, thay vì trước đây mỗi lĩnh vực cần 1 công chức tham gia.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng cũng đang có kế hoạch triển khai ngay trong năm 2022 chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả của 8 Sở ngành tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh; 05 huyện, thị xã và 2 Bộ phận cấp xã cho nhân viên bưu điện. Đặc biệt từ ngày 1/7/2022 Bưu điện tỉnh sẽ tham gia triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cấp tỉnh. Giai đoạn 2024- 2025 tỉnh Sóc Trăng sẽ chuyển giao 100% nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và Bộ phận một cửa cấp huyện, thị xã, cho Bưu điện.
"Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Sóc Trăng đang ngày một tăng. Cái gì có lợi cho người dân, cho Nhà nước thì cần phải được quan tâm thực hiện. UBND tỉnh xác định việc triển khai Quyết định 468 của Chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong chỉ đạo triển khai thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính", bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Trước một số băn khoăn về chất lượng nguồn nhân lực đảm nhiệm một số phần việc thay công chức tại Bộ phận một cửa các cấp, ông Nguyễn Kiên Cường Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, 100% nhân lực tham gia vào các dịch vụ hành chính công đều phải đảm bảo tốt nghiệp Đại học trở lên, có năng lực chuyên môn, có lý lịch trong sạch, rõ ràng; có tác phong, thái độ giao tiếp cởi mở, thân thiện, đúng chuẩn mực; có tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!