Chiều 7/8, 3 Trung tâm hồi sức tích cực ICU tại TP Hồ Chí Minh đã được thiết lập xong và cùng chính thức được đưa vào hoạt động. Với sự hỗ trợ của 3 bệnh viện Trung ương là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế, sự ủng hộ cả về địa điểm và vật chất của tập đoàn Novaland và Vạn Thịnh Phát, các trung tâm ICU này sẽ tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.
Như vậy, từ nay, TP Hồ Chí Minh có 4 trung tâm hồi sức tích cực với quy mô 3.000 giường để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân COVID-19 với mục tiêu giảm tử vong của người bệnh xuống mức thấp nhất. Trong thời gian tới, ngoài sự chung sức của lực lượng y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố còn cần đảm bảo công tác hậu cần, đặc biệt là hệ thống hạ tầng oxy khí nén, qua đó các trung tâm ICU hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch.
Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC)
Sự hỗ trợ kịp thời từ Trung ương và các địa phương, kết hợp với những điều chỉnh trong thu dung bệnh nhân đã phát huy tác dụng. Từ ngày 28/7 đến nay, số bệnh nhân COVID-19 được xuất viện ở TP Hồ Chí Minh đều trên 2.000 người/ngày, thậm chí có ngày còn cao gấp đôi. Tổng số bệnh nhân được xuất viện trong 10 ngày qua đã vượt qua mốc 30.000 người.
Tuy nhiên, áp lực với công tác điều trị còn rất lớn, đáng chú ý là số ca F0 tử vong cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do những tồn tại trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Điều này cho thấy, cần phải tính đến những thay đổi trong mô hình điều trị bằng nhiều biện pháp
TP Hồ Chí Minh đang tập trung tổ chức lại quy trình tiếp nhận bệnh nhân, sắp xếp để có thêm không gian tiếp nhận, phục vụ cho điều trị, đặc biệt khâu sơ cấp cứu và cấp cứu. Sở Y tế thành phố đã yêu cầu tất cả các bệnh viện sẵn sàng 24/7 tiếp nhận bệnh nhân đến khám và cấp cứu, không được yêu cầu bệnh nhân phải có xét nghiệm COVID-19 mới tiếp nhận. Ngoài ra, phải liên thông giữa các tầng trong tháp điều trị 5 tầng, có thể mở thêm 5 đến 10 giường ở mỗi bệnh viện quận. TP Hồ Chí Minh cũng đã có một số mô hình bệnh viện chia đôi, vừa điều trị F0 vừa điều trị bệnh thông thường, do đó hoàn toàn có thể áp dụng cho toàn khối khám chữa bệnh kể cả y tế công và tư. Nếu làm được điều này, năng lực tiếp nhận và điều trị sẽ tăng đáng kể.
Các nghiên cứu cho thấy, có đến 83% bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Chính vì vậy, để giảm tải cho các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều biện pháp như bệnh nhân F0 không triệu chứng tự cách ly và chăm sóc y tế tại nhà, tổ chức tổng đài tư vấn hỗ trợ cho bệnh nhân thông qua mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" với sự tham gia của hơn 2.000 bác sĩ trẻ tình nguyện.
Đã có hơn 50.000 bệnh nhân mắc COVID-19 được tư vấn điều trị thông qua mô hình này, được lập ra bởi các bác sĩ và các cá nhân tâm huyết. Điều thuận lợi nhất khi khám bệnh qua điện thoại là người bệnh có thể gặp được những bác sĩ có chuyên môn phù hợp với đặc điểm bệnh lý riêng.
Những giải pháp trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ không triệu chứng đang được Bộ Y tế và các địa phương triển khai sẽ giúp các cơ sở y tế tập trung vào điều trị, cứu chữa bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, ngành y tế cảnh báo, khi cách ly, điều trị tại nhà, người dân phải luôn tuân thủ các quy định và khi thấy có những dấu hiệu bất thường phải liên hệ với y tế địa phương hoặc Cấp cứu 115 để được hỗ trợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!