Điều trị F0 trong điều kiện quá tải: Không sợ khổ, không sợ mệt, chỉ sợ không cứu được bệnh nhân

PV-Thứ bảy, ngày 07/08/2021 14:14 GMT+7

VTV.vn - Nhìn thấy bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi là điều nặng nề nhất, “đánh” vào tinh thần của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Sự kiện và bình luận - 07/8/2021

Thách thức điều trị ca F0 trong điều kiện quá tải

Ca mắc mới COVID-19 tiếp tục xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận đặt ra thách thức lớn đối với ngành y tế địa phương về khả năng đáp ứng số lượng bệnh nhân đông và điều trị các ca F0 nặng, đặc biệt là ở vùng tâm dịch - không chỉ phải giảm số lượng các ca mắc mới mà còn phải giảm thiểu các ca tử vong.

Mô hình tháp 3 tầng điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế đã được áp dụng thành công tại tỉnh Bắc Giang. Còn tại TP Hồ Chí Minh đang áp dụng mô hình tháp 5 tầng trong điều trị COVID-19. Ban đầu, TP Hồ Chí Minh áp dụng mô hình tháp 3 tầng, sau đó nâng lên thành 4 tầng và bây giờ là 5 tầng, cho thấy những điều chỉnh trong chiến lược điều trị F0 của thành phố khi số ca F0 tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Điều trị F0 trong điều kiện quá tải: Không sợ khổ, không sợ mệt, chỉ sợ không cứu được bệnh nhân - Ảnh 2.

(Ảnh: HCDC)

Trong công điện mới đây về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị... nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng, trong đó đặc biệt lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng để tổ chức quản lý, theo dõi và trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động nguồn lực y tế của các ngành và tư nhân.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, do biến chủng Delta có đặc điểm lây lan nhanh và đặc biệt là diễn biến lâm sàng của một số trường hợp, không chỉ bệnh nhân có bệnh lý nền, cao tuổi mà kể cả ở những người trẻ tuổi, đều diễn biến nặng, nhanh và tỷ lệ tử vong cũng tăng cao so với các biến chủng trước.

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị rất tích cực nhưng việc theo dõi các bệnh nhân F0 khi bệnh trở nặng, kể cả ở trong các khu cách ly lẫn tại nhà, là quá tải với các cơ sở điều trị, từ tuyến 2 của thành phố cho đến tuyến cuối cùng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Đánh giá về những thách thức, khó khăn chính trong quá trình điều trị các ca F0 tại TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các ca nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: "Mặc dù đã có hướng dẫn cách ly F0 tại nhà nhưng một số trường hợp đòi hỏi phải có sự theo dõi về mặt y tế nên gánh nặng về việc trang bị cơ sở vật chất như hệ thống oxy, hệ thống khí nén, hệ thống ECMO đòi hỏi nhu cầu lớn. Bộ Y tế đã ngay lập tức cử các đội chuyên gia của các bệnh viện hàng đầu và các bệnh viện tuyến Trung ương cũng như địa phương vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế cũng lập thêm 3 Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Việt Đức với vai trò là Trung tâm hồi sức quốc gia đặt tại TP Hồ Chí Minh để cùng các cơ sở hồi sức hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh thu dung, tiếp nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch".

Với số lượng F0 đã vượt qua con số 100.000 người, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang có nhóm F0 không triệu chứng tự cách ly và chăm sóc y tế tại nhà để giảm tải cho các điểm thu dung cũng như điều trị. Trong số này, chỉ có khoảng 5% các ca F0 diễn tiến nặng. Tuy nhiên, số lượng này cần được cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời. Điều này cũng gây áp lực không nhỏ với ngành y tế trong thời điểm hiện nay.

Vì sao F0 ở TP Hồ Chí Minh khó tiếp cận cơ sở điều trị? Vì sao F0 ở TP Hồ Chí Minh khó tiếp cận cơ sở điều trị?

VTV.vn - Với số lượng F0 đã vượt qua 100.000 người, thành phố buộc phải để nhóm F0 không triệu chứng tự cách ly và chăm sóc y tế ở nhà để giảm tải cho các điểm thu dung, điều trị.

Trong những trường hợp F0 tự cách ly và điều trị tại nhà, bên cạnh các ca không triệu chứng và tự khỏi cũng có một tỷ lệ % nhỏ những ca chuyển biến nặng rất nhanh và đột ngột tử vong. Trước thực tế này, ngành y tế đã có nhiều giải pháp để giảm tối đa nguy cơ tử vong cho các bệnh nhân như: thiết lập đường dây tư vấn điện thoại với khoảng hơn 2.500 bác sĩ trên khắp các vùng miền của đất nước để có thể thăm hỏi sức khỏe cũng như tư vấn, đánh giá giai đoạn của người bệnh và có những lời khuyên hữu ích giúp người bệnh yên tâm hơn; xây dựng các đội phản ứng nhanh sẵn sàng các xe cấp cứu, bác sĩ, điều dưỡng, các tình nguyện viên tiếp cận người bệnh khi có yêu cầu để khám và chăm sóc; đội 115 của TP Hồ Chí Minh và đường dây nóng 1022 của thành phố cũng sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi của các trường hợp điều trị tại nhà.

Điều trị F0 trong điều kiện quá tải: Không sợ khổ, không sợ mệt, chỉ sợ không cứu được bệnh nhân - Ảnh 6.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo yêu cầu tất cả các bệnh viện từ tầng 2 trở lên phải sẵn sàng tiếp nhận, thu dung bệnh nhân khi có triệu chứng. Các bệnh nhân sau khi được cấp cứu sẽ phân loại và có thể được chuyển lên tuyến trên khi cần thiết hoặc chuyển xuống những tuyến dưới.

Đội ngũ y tế tại TP Hồ Chí Minh cũng như đội ngũ chi viện đã trải qua gần 2 tháng đối phó với dịch COVID-19. Mọi người đều đã rất mệt mỏi, tuy nhiên, các y, bác sĩ, nhân viên y tế đều có tinh thần cống hiến, sẵn sàng tiếp tục hi sinh cho công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Rất nhiều trường hợp đã nhiễm COVID-19 trong quá trình chăm sóc, theo dõi người bệnh hay lấy mẫu xét nghiệm nhưng họ đều thể hiện tinh thần hết sức trách nhiệm và cống hiến.

Không chỉ ngành y tế mà tất cả các lực lượng khác như quân đội, công an cũng đều hiểu rõ tình hình và luôn trong tâm thế sẵn sàng chung tay để hạn chế, chấm dứt dịch càng sớm càng tốt, đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

"TP Hồ Chí Minh hiện giờ rất cần sự nỗ lực hỗ trợ của Trung ương và địa phương về mặt y tế từ khắp các địa bàn trên cả nước. Chúng tôi hy vọng với sự nỗ lực của TP Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của các lực lượng trên cả nước, thành phố sẽ sớm ngăn chặn và có thể đẩy lùi dịch COVID-19" - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Áp lực tinh thần nặng nề nếu bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi

Cùng với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đang là địa phương đứng thứ 2 trên cả nước về số người mắc COVID-19 với hơn 22.300 ca. Nhìn vào biểu đồ số ca mắc tại Bình Dương 1 tuần qua có thể thấy số ca mắc mới tăng cao. Ngày 31/7 là 2.075 ca, ngày 1/8 là 2.179 ca. Những ngày sau có giảm nhưng đến ngày 4/8 lại tăng lên với 2.143 ca.

Điều trị F0 trong điều kiện quá tải: Không sợ khổ, không sợ mệt, chỉ sợ không cứu được bệnh nhân - Ảnh 8.

Tỉnh Bình Dương hiện đang triển khai xét nghiệm COVID-19 cho 1,8 triệu người, với dự báo số ca có thể tăng lên 30.000 ca trong 2 tuần tới. Qua xét nghiệm diện rộng, tỷ lệ ca dương tính ở các khu nhà trọ rất cao.

Theo nhận định của PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người được Bộ Y tế giao phối hợp cùng tỉnh Bình Dương lên phương án điều trị các trường hợp F0 và hiện đang có mặt tại tỉnh Bình Dương, số lượng bệnh viện dã chiến của tỉnh Bình Dương hiện nay tương đối ổn để phục vụ các ca F0 không triệu chứng hoặc tương đối nhẹ. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của tỉnh Bình Dương là tầng 2 điều trị còn yếu.

"Việc điều trị ở tầng 2 phải khởi động thật nhanh khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng để giảm tối thiểu bệnh nhân lên tầng 3. Do đó, các loại thuốc phải được cung cấp đầy đủ, đặc biệt là các loại thuốc trong danh mục mà Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang xây dựng một Trung tâm hồi sức cấp cứu với sự tham gia điều trị của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Trung ương Huế, nâng số giường bệnh thở máy lên 100. Tỉnh sẽ sử dụng Bệnh viện Nhi làm khu thở máy cho các bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Tuy nhiên, việc điều trị ở tầng 2 là rất quan trọng. Chúng ta phải cứu được bệnh nhân nhiều hơn ở tầng 2 chứ không phải tầng 3. Vì như ở các nước tiên tiến, khi bệnh nhân đã thở máy thì nguy cơ tử vong là 50%" - PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu nhận định.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi hệ thống đi vào ổn định, sự luân chuyển các tầng diễn ra nhịp nhàng, số ca ra viện sẽ tương đương số ca nhập viện. Như vậy, hệ thống y tế tại Bình Dương sẽ không bị khủng hoảng.

Tại tỉnh Bình Dương lúc này, khó khăn cũng như thách thức lớn nhất trong công tác điều trị chính là việc nâng trình độ tầng 2. PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu cho rằng phải nâng cao chất lượng điều trị tầng 2 ở tuyến huyện, sao cho tầng 2 vững chắc và đưa được bệnh nhân xuống tầng 1, giảm thiểu bệnh nhân lên tầng 3.

Tôi nghĩ các tỉnh chưa có dịch bùng phát cũng nên rà soát các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện bởi đây là thành trì rất quan trọng để chống lại dịch.

PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu

Bình Dương đưa thêm 2 bệnh viện dã chiến vào hoạt động Bình Dương đưa thêm 2 bệnh viện dã chiến vào hoạt động

VTV.vn - 2 bệnh viện dã chiến mới với tổng quy mô 8.300 giường là cơ sở 2 của bệnh viện dã chiến số 1 và bệnh viện dã chiến số 3, đều nằm tại thị xã Bến Cát.

Cùng với đó, để ngăn ngừa ca F0 chuyển nặng và giảm thiểu ca tử vong ở Bình Dương, giải pháp quan trọng là hạn chế được các bệnh nhân phải thở máy, điều trị sớm, sàng lọc cẩn thận trong khu cách ly không để các ca diễn biến xấu. Đồng thời, phải có sự tác động ở cả 3 tầng điều trị, đặc biệt phải đẩy mạnh chất lượng ở tầng 2.

Khi số ca dương tính vẫn tăng cao mỗi ngày, tất cả các y, bác sĩ đều nỗ lực chữa trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao là điều 'đánh' vào tinh thần của các y, bác sĩ nhiều nhất. Chúng tôi không sợ đói, không sợ khổ, không sợ mệt mà khi chúng tôi nhìn thấy bệnh nhân không cứu được là điều nặng nề nhất. Tôi rất mong lực lượng y tế ở tầng 3 phải vững vàng để vượt qua đại dịch. Còn đội ngũ đang hoạt động ở tầng 2 hãy cố gắng giữ cho bệnh nhân của mình không phải lên tầng 3.

PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu

Tỉnh Bình Dương may mắn huy động được nguồn tài trợ rất lớn, có Quỹ phòng chống dịch rất tốt để mua sắm trang thiết bị. Nhưng nhân lực chất lượng cao hiện nay không phải chỉ Bình Dương mà tất cả các nơi trong cả nước đều thiếu. Vì vậy, theo PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu, trong giai đoạn dịch bùng phát như hiện nay, tỉnh Bình Dương mong muốn được Bộ Y tế cũng như các tỉnh bạn điều nhân lực vào giúp đỡ.

"Chúng tôi chắc chắn khi Bình Dương vượt qua đại dịch và khi các tỉnh bạn xuất hiện dịch, chúng tôi sẽ tham gia chống dịch cùng để bảo đảm chúng ta có khả năng trở về tình trạng bình thường mới sớm nhất" - PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu khẳng định.

Điều trị F0 trong điều kiện quá tải: Không sợ khổ, không sợ mệt, chỉ sợ không cứu được bệnh nhân - Ảnh 12.

Đã gần 2 tháng trôi qua, vào lúc này, một mặt, mỗi địa phương đã trở thành một thành lũy chống dịch, chính quyền địa phương có trách nhiệm ngăn không cho virus từ ngoài xâm nhập vào địa bàn của mình, cũng như từ trong địa bàn của mình xâm nhập ra bên ngoài. Mặt khác, sự cộng đồng trách nhiệm giữa các địa phương với nhau, theo sự chỉ đạo thống nhất chung của Trung ương để huy động tổng lực các nguồn lực, kinh nghiệm và trí tuệ để chống dịch có ý nghĩa quyết định. Nhờ đó, đủ sức bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân trong trận chiến với biến chủng Delta gian nan và nguy hiểm hơn những chủng virus SARS-CoV-2 trước đó.

TP Hồ Chí Minh tìm cách hạn chế F0 tử vong TP Hồ Chí Minh tìm cách hạn chế F0 tử vong Phân tầng điều trị F0 giảm nhiều áp lực cho bệnh viện tuyến cuối Phân tầng điều trị F0 giảm nhiều áp lực cho bệnh viện tuyến cuối F0 tự điều trị tại nhà: Cẩn trọng nhưng không hoảng hốt, bình tĩnh nhưng không chủ quan F0 tự điều trị tại nhà: Cẩn trọng nhưng không hoảng hốt, bình tĩnh nhưng không chủ quan

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước