Tiến bộ mới tăng cơ hội sống còn cho người bệnh ung thư phổi

Nguyên Phương-Thứ bảy, ngày 01/07/2023 08:00 GMT+7

Các chuyên gia tham gia chương trình tư vấn (từ trái qua): TS.BS Nguyễn Anh Dũng, TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, BS Trần Vương Thảo Nghi và MC Bích Ngọc. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

VTV.vn - Nội soi phế quản ống mềm, chụp CT phổi liều thấp, điều trị đa mô thức, cá thể hóa… là các phương pháp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh ung thư phổi.

Thông tin về triệu chứng, phương pháp chẩn đoán, điều trị, những quan niệm sai lầm… về ung thư phổi đã được các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến "Ung thư phổi: Kỹ thuật tầm soát hiện đại & điều trị hiệu quả" tối ngày 29/06/2023.

Ung thư phổi không chỉ do khói thuốc lá

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi - Trưởng khoa Ung bướu BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, ung thư phổi đang có xu hướng trẻ hóa, bệnh không chỉ gặp ở những người cao tuổi mà còn được ghi nhận ở cả người trẻ.

Căn nguyên ung thư phổi đến nay chưa được biết rõ nhưng 75-80% trường hợp ung thư phổi được phát hiện có liên quan đến việc tiếp xúc khói thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc lá và hít phải khói thuốc lá). Ngoài ra, các yếu tố khói bụi, làm việc trong môi trường độc hại như tiếp xúc thời gian dài với bụi xi-măng, hóa chất, gia đình có người mắc ung thư phổi cũng là các yếu tố nguy cơ của căn bệnh này.

Theo TS.BS Đặng Thị Mai Khuê - Bác sĩ chuyên khoa Nội hô hấp, khoa Nội tổng hợp BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, triệu chứng ung thư phổi không dễ nhận biết. Ho là một triệu chứng thường gặp ở bệnh lý này nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý thông thường khác như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi.

Tuy nhiên, nếu ho có đờm, đau ngực, khó thở, hoặc đau lưng, sụt cân, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, sốt nhẹ… kéo dài không khỏi dù được điều trị bằng các phương pháp thông thường, người bệnh nên đến bệnh viện ngay để thăm khám và tầm soát ung thư phổi. Đặc biệt, những người hút thuốc lá mạn tính có triệu chứng về hô hấp dù nhỏ nhưng kéo dài cũng nên đi khám bệnh.

Bước tiến trong tầm soát ung thư phổi

Bác sĩ Mai Khuê chia sẻ, thật khó để biết được các biểu hiện lâm sàng tương ứng với giai đoạn nào của ung thư. Với một số người, các triệu chứng có thể rất ít nhưng bệnh đã ở giai đoạn trễ. Điều này là do khả năng chịu đựng của mỗi người khác nhau, người chịu đựng tốt hơn thì triệu chứng bộc lộ ít và đến muộn hơn. Ngược lại, người chịu đựng kém hơn thì triệu chứng đến sớm và bộc lộ nhiều hơn. Do đó, người có nhiều yếu tố nguy cơ nên chủ động tầm soát để tiếp cận sớm các phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Các kỹ thuật thường quy trong khám, tầm soát ung thư phổi định kỳ theo bác sĩ Thảo Nghi gồm, chụp X-quang phổi (X-quang ngực thẳng), siêu âm, xét nghiệm máu cơ bản. Đối với người có yếu tố nguy cơ cao, đặc biệt là người hút khoảng 20-30 bao thuốc lá mỗi năm, nên theo dõi bằng X-quang hoặc CT phổi liều thấp mỗi năm một lần. Hiện nay chụp CT phổi liều thấp thường được khuyến nghị hơn cho những người có yếu tố nguy cơ cao.

Tiến bộ mới tăng cơ hội sống còn cho người bệnh ung thư phổi - Ảnh 1.

Hệ thống chụp CT 768 lát cắt giúp tầm soát phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, hệ thống máy CT 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp chụp CT phổi liều thấp với tốc độ quay nhanh hơn, quan sát đa diện, có thể phát hiện nốt phổi kích thước nhỏ chỉ 2-3mm, tỷ lệ bỏ sót tổn thương rất thấp. Đây là một xu hướng mới trong tầm soát ung thư phổi hiện nay.

Tuy nhiên bác sĩ Thảo Nghi nhấn mạnh, không phải ai cũng có thể chụp X-quang phổi hoặc CT phổi liều thấp. Vì vậy, khi muốn tầm soát ung thư phổi, khách hàng nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và được tư vấn phương pháp phù hợp.

Kỹ thuật điều trị ít xâm lấn, tăng tỷ lệ sống còn cho người bệnh

Bác sĩ Thảo Nghi nhấn mạnh, phát hiện ung thư ở giai đoạn càng sớm, cơ hội điều trị thành công càng cao, và cơ hội sống còn của người bệnh cũng cao hơn.

Cùng với 3 phương pháp điều trị ung thư thường quy là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch ngày nay thường được sử dụng phối hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.

"Sự phối hợp các phương pháp tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, tế bào ung thư, các xét nghiệm đột biến, xét nghiệm về khả năng đáp ứng miễn dịch và sức khỏe cơ bản của người bệnh, cũng như các bệnh lý nội khoa đi kèm", bác sĩ Nghi cho biết.

Đặc biệt, bác sĩ Nghi nhấn mạnh điều trị phối hợp đa mô thức, điều trị cá thể hóa là quan điểm điều trị tiên tiến, tăng cơ hội đáp ứng với điều trị, tăng tỷ lệ sống còn cho người bệnh.

Trong đó, phẫu thuật là một trong những lựa chọn đầu tiên đối với ung thư phổi giai đoạn sớm. TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, phẫu thuật ung thư có những nguyên tắc riêng, bên cạnh cắt khối u, cần lấy phần cơ quan chứa khối u đó. Chẳng hạn, khối u nằm ở thùy của phổi cần cắt toàn bộ thùy của phổi đó. Các khối u cũng sẽ có các hạch bạch huyết tương ứng, nếu hạch bạch huyết chứa tế bào ác tính cũng cần phải loại bỏ hết.

Theo bác sĩ Anh Dũng, hơn 80% trường hợp u phổi giai đoạn sớm được điều trị bằng phẫu thuật nội soi. Nhờ sự hỗ trợ của hệ thống camera cho hình ảnh rõ nét, bác sĩ có thể nhìn rõ tổn thương cũng như mối liên hệ của các tổn thương với các cấu trúc xung quanh. Điều này giúp loại bỏ các tổn thương chính xác, triệt để hơn. Bên cạnh đó, phẫu thuật nội soi cho phép bác sĩ dễ dàng đi sâu vào các vị trí hẹp, khó tiếp cận bằng tay để dễ dàng loại bỏ tổn thương hoặc khâu nối thuận lợi. Ngoài ra, phẫu thuật nội soi cũng ít gây chảy máu, ít xâm lấn hơn nên bệnh nhân mau hồi phục hơn. Điều này có giá trị rất lớn đối với bệnh nhân ung thư vì thời gian phục hồi càng ngắn càng giúp người bệnh được tiếp cận với các điều trị tiếp theo (như hóa trị hoặc xạ trị) càng sớm.

Tiến bộ mới tăng cơ hội sống còn cho người bệnh ung thư phổi - Ảnh 2.

Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, ít chảy máu giúp người bệnh nhanh hồi phục.

Chỉ một số ít khối u ở vị trí nguy hiểm, như gần trung tâm, gần các mạch máu lớn cần mổ mở. Tuy nhiên, kỹ thuật mổ mở ngày nay cũng được hỗ trợ bởi phương tiện nội soi như camera cho hình ảnh học, video giúp thao tác thuận lợi, hiệu quả hơn.

Bác sĩ Thảo Nghi cũng nhấn mạnh, với sự tiến bộ của phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng, dù phát hiện bệnh ở giai đoạn 3, 4 nhưng nếu người bệnh đáp ứng với điều trị thì cơ hội sống vẫn cao. Do đó, người bệnh nên chọn cơ sở uy tín và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể liên hệ:

- Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên. Hotline: 024 7106 6858 - 024 3872 3872

- TP.HCM: 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789 - 093 180 6858

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước