Những lầm tưởng nguy hiểm về bệnh ung thư phổi

Tuệ Trâm-Thứ năm, ngày 29/06/2023 08:00 GMT+7

Hình ảnh nốt phổi trên phim chụp CT 768 lát cắt. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

VTV.vn - Chỉ người lớn tuổi, hút thuốc lá, nam giới mới mắc ung thư phổi hay đã phẫu thuật không cần tái khám… là những quan niệm chưa đúng về ung thư phổi.

Mắc bệnh sử hen suyễn từ nhỏ, chị Ngân (38 tuổi, Bình Dương) thường xuyên có các cơn hen và cần sử dụng các loại thuốc kiểm soát hen. Gần đây, chị thường ho kèm đờm máu, cảm giác đau vùng cổ kèm theo đau thắt vùng ngực và bả vai; nghĩ hen suyễn tái phát nên chị không thăm khám. Sau một tháng sử dụng thuốc hen nhưng tình trạng không thuyên giảm, chị Ngân đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh thăm khám phát hiện ung thư phổi.

Cách đây 3 năm khi đi khám sức khỏe, anh Hoàng (40 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) tình cờ phát hiện nốt nhỏ ở phổi, được phẫu thuật cắt bỏ. Kết quả giải phẫu bệnh xác định ung thư phổi giai đoạn sớm nhưng chưa cần hóa-xạ trị mà chỉ theo dõi định kỳ phòng bệnh tái phát. Năm đầu tiên sau mổ anh thăm khám đều đặn, thấy kết quả bình thường và cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh nên nghĩ rằng đã khỏi bệnh và không đi khám nữa. Gần đây, anh hay mệt, đau ngực và ho kéo dài. Thăm khám, kiểm tra bác sĩ cho biết anh mắc ung thư phổi giai đoạn II.

"Mình cứ tưởng đã phẫu thuật cắt bỏ khối u thì khỏi bệnh rồi, lâu nay cũng không có biểu hiện gì nghiêm trọng nên cũng chủ quan không đi khám lại, đâu có ngờ…", anh Hoàng hối hận.

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi (Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay có nhiều lầm tưởng về căn bệnh ung thư phổi như bệnh chỉ gặp ở người lớn tuổi hay nam giới, nữ giới ít mắc bệnh này nên nhiều người chủ quan. Thực tế ung thư phổi có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan) Việt Nam năm 2020, số lượng ca ung thư phổi ở phụ nữ tương đương với nam giới. Các số liệu cho thấy nữ giới có số lượng ca mắc mới ung thư phổi chỉ xếp sau ung thư vú.

Về quan niệm chỉ hút thuốc lá mới gây ra ung thư phổi, bác sĩ Thảo Nghi dẫn nghiên cứu cho thấy 80% trường hợp ung thư phổi có liên quan đến việc hút thuốc lá bao gồm hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá thụ động (tiếp xúc khói thuốc lá do người khác hút). Các yếu tố khác như ô nhiễm không khí, làm việc trong môi trường khói bụi, bức xạ độc hại, di truyền, các bệnh mạn tính của đường hô hấp (hen suyễn nặng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính)… cũng có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi.

Nhiều người cho rằng mắc ung thư phổi là "bản án tử" do tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, bác sĩ Nghi chia sẻ: "Tỷ lệ sống sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm có thể lên đến 85-90%. Điều này cho thấy nếu phát hiện bệnh giai đoạn sớm, tiếp nhận điều trị kịp thời với phương pháp phù hợp cho kết quả điều trị tương đối khả quan. Tuy nhiên, các triệu chứng ung thư phổi ban đầu thường không điển hình khiến người bệnh chủ quan, bỏ qua ‘thời gian vàng’ điều trị".

Hiện nay, phương pháp tầm soát ung thư phổi thường được chỉ định gồm chụp CT phổi liều thấp hoặc chụp X-quang phổi, nội soi phế quản ống mềm… cho kết quả nhanh chóng, độ chính xác cao, không đau nhức, tạo sự thoải mái cho người bệnh. Nhờ trang bị hệ thống chụp cắt lớp vi tính 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho hình ảnh 3D có thể nhìn thấy phổi từ nhiều hướng, tại bệnh viện Tâm Anh, những u phổi kích thước nhỏ 2-3mm có thể được phát hiện qua chụp CT phổi liều thấp. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp ở giai đoạn sớm, tăng tỷ lệ sống còn sau 5 năm cho người bệnh.

Theo bác sĩ Nghi, sàng lọc ung thư phổi có thể thực hiện với mọi đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Những người có thói quen hút thuốc, từng hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá; người làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, mạt bụi, khói bụi công nghiệp; người có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan hô hấp mạn tính... nên chủ động tầm soát ung thư phổi sớm hơn, định kỳ mỗi năm một lần để phát hiện bất thường và can thiệp kịp thời.

"Ung thư phổi giai đoạn đầu hoàn toàn có thể điều trị bằng phẫu thuật kết hợp các phương pháp điều trị hỗ trợ khác cho tiên lượng khả quan, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Đồng thời, bệnh nhân sau phẫu thuật cần tuân theo lịch tái khám để được kiểm soát bệnh chặt chẽ", bác sĩ Nghi nhấn mạnh.

Vào lúc 20h tối nay (29/6), chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến "Ung thư phổi: Kỹ thuật tầm soát hiện đại & điều trị hiệu quả" sẽ diễn ra trên các nền tảng online của Đài truyền hình Việt Nam như Báo điện tử VTV News, ứng dụng VTVGo và các fanpage VTV24, VTV8 - Đài truyền hình Việt Nam… nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan bệnh ung thư phổi và phương pháp tầm soát phát hiện sớm, kỹ thuật điều trị hiện đại ít xâm lấn, triệt căn khối u, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân...

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh: BS Trần Vương Thảo Nghi (Trưởng khoa Ung bướu), TS.BS Nguyễn Anh Dũng (Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực) và TS.BS Đặng Thị Mai Khuê (Bác sĩ chuyên khoa Nội hô hấp, khoa Nội tổng hợp).

Độc giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp qua fanpage hoặc gửi tại đây để được chuyên gia giải đáp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước