Theo số liệu mới nhất, riêng trong năm 2021 khoảng 25 triệu trẻ em trên khắp thế giới đã bỏ lỡ việc tiêm chủng định kỳ để bảo vệ chống lại các bệnh dịch đe dọa đến tính mạng. Con số này nhiều hơn 2 triệu so với năm 2020, khi COVID-19 khiến nhiều nước phải phong tỏa. Còn so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch thì con số trên cao hơn 6 triệu.
Bà Kate O'Brien, Giám đốc Bộ phận miễn dịch và vaccine, Tổ chức Y tế thế giới cho biết: "Đây là lần đầu tiên tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em sụt giảm nhiều nhất trong vòng 30 năm. Tỷ lệ trẻ em được tiêm đủ ba liều vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà, thước đo đánh dấu tỷ lệ bao phủ vaccine giữa các quốc gia, đã giảm khoảng 5%".
"Đây là tình trạng báo động đối với sức khỏe trẻ em. Nếu chúng ta không nhanh chóng và khẩn trương bắt kịp việc tiêm chủng, chắc chắn chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch bệnh hơn nữa", ông Ephrem Tekle Lemango, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
Việc tập trung tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cũng như sự suy thoái kinh tế và căng thẳng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe đã làm cản trở các trường hợp tiêm chủng thông thường.
Ở mọi khu vực, mức độ bao phủ tiêm chủng đều giảm. Điều này dẫn đến hậu quả nhìn thấy rõ trong những tháng gần đây đó là các đợt bùng phát bệnh sởi và bại liệt lẽ ra có thể ngăn ngừa được. Chẳng hạn riêng tại châu Phi, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 400% vào nửa đầu năm nay. Theo các chuyên gia y tế, để ngăn ngừa một số dịch bệnh bùng phát, hơn 90% trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ.
Việc sụt giảm tỷ lệ tiêm không chỉ diễn ra trên thế giới, tại Việt Nam, năm 2021, có khoảng 252.000 trẻ bỏ lỡ ít nhất 1 liều tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu tính chung trong cả 3 năm xảy ra dịch bệnh, từ 2019 đến nay, con số này còn cao hơn.
Còn theo Bộ Y tế, hiện có 52 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố chưa đạt tiến độ mục tiêu 90% trẻ được tiêm đầy đủ các loại vaccine cơ bản được khuyến nghị trước 12 tháng tuổi.
Theo các cán bộ nhân viên y tế, đa phần người dân đều đã có ý thức trong việc đảm bảo lịch tiêm của con em. Thậm chí, gần như không có tình trạng cha mẹ lo ngại lây chéo dịch bệnh mà không đưa con đi tiêm. Song dịch COVID-19 vừa qua vẫn ảnh hưởng phần nào đến công tác tiêm chủng.
Theo thống kê của các trung tâm y tế, các mũi tiêm thường có tỷ lệ tiêm thiếu, tiêm trễ cao là các mũi tiêm nhắc lại, các mũi tiêm sau 6 tháng tuổi bởi một số phụ huynh chưa đánh giá được tầm quan trọng của những mũi tiêm này.
Hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng đang thiếu vaccine bại liệt mũi nhắc lại cho trẻ 18 tháng tuổi. Đại diện chương trình này khẳng định điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng bao phủ, phòng bệnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, do vaccine sẽ giảm dần miễn dịch theo thời gian, nhiều nước trên thế giới đã có chiến lược vaccine tiền học đường để tiêm cho trẻ ngay khi vào lớp 1 để bù lại những thiếu hụt vaccine chưa tiêm và bù lại những suy giảm miễn dịch.
Ghi nhận con số sụt giảm, song Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho rằng "Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để đưa việc tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em trở lại đúng hướng". Cơ quan này cũng đưa ra những khuyến cáo để công tác tiêm chủng tại nước ta đạt hiệu quả cao hơn.
Bà Lesley Miller, Phó Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF tại Việt Nam cho rằng: "Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực tuyệt vời để đảm bảo tiếp tục tiêm chủng thường xuyên. Việc mua vaccine tập trung ở cấp quốc gia là một điều quan trọng và giúp ích rất nhiều. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những nỗ lực không ngừng để tiếp cận nhiều hơn nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và ở vùng sâu, vùng xa. Việc nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ và người dân về tầm quan trọng của tiêm chủng được thực hiện tốt. Lợi thế của Việt Nam chính là Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nhờ có hệ thống mạng lưới lên đến 11.000 điểm tiêm chủng ở cấp xã, phường trên khắp cả nước. Không giống như một số quốc gia khác, Việt Nam có năng lực tự sản xuất và cung ứng vaccine trong nước. Đó là một lợi thế lớn vì Việt Nam không phụ thuộc vào các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ cộng đồng quốc tế, gồm không chỉ UNICEF mà còn nhiều đối tác khác. Điều này rất tích cực.
Chúng tôi tin tưởng Việt Nam có thể tận dụng Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia để cung cấp các dịch vụ này đến tận cấp xã, phường. Cuối cùng, việc tiếp tục nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ và cung cấp thông tin chính xác, cũng như ngăn chặn những thông tin sai lệch về tiêm chủng cũng là điều cần tiếp tục được thực hiện. Đây thực sự là giải pháp quan trọng để bảo vệ trẻ em khỏi bệnh tật. Và như vậy, các bậc cha mẹ có thể đưa con mình đi tiêm chủng một cách an toàn. Chúng tôi tin tưởng vào một tương lai tươi sáng và cho rằng Việt Nam đang quay trở lại quỹ đạo tiêm chủng của mình".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!