Nhận định xu thế thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 17/1, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong dịp nghỉ Tết sắp tới, khu vực phía Bắc phổ biến trời rét, vùng núi có rét đậm; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, ngày trời nắng; khu vực ven biển miền Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện triều cường gây ngập úng.
Theo ông Lâm, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, có rất ít khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Trong giai đoạn trước Tết, thời điểm từ ngày 17 - 25/1 (tức từ ngày 18 - 26 tháng Chạp) - thời điểm Tết ông Công ông Táo, khu vực Bắc Bộ sáng có sương mù nhẹ, ngày trời nắng ráo, tiếp tục rét.
Cũng trong khoảng thời gian trên, tại khu vực Trung Bộ (vùng từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế) thời tiết phổ biến nhiều mây, trời rét; khu vực Nam Trung Bộ, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, phía Bắc đêm và sáng trời rét, ngày trời nắng nhẹ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, đêm và sáng sớm nhiều mây, có sương mù nhẹ, ngày trời nắng, không xảy ra nắng nóng.
Giai đoạn những ngày chính Tết (từ ngày 27 - 30/1, tức 28 Tết đến mùng 3 Tết), miền Bắc chịu tác động của gió mùa Đông Bắc, nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, trời rét, vùng núi có rét đậm, phía Đông Bắc Bộ có ngày có mưa nhỏ, mưa phùn.
Khu vực Bắc Trung Bộ có mưa nhỏ vài nơi, trời rét. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác (thời gian mưa tập trung vào trước ngày 28/1 (29 Tết). Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, trời nắng (không xảy ra nắng nóng).
Trong dịp Tết Nguyên đán 2025, khu vực ven biển miền Đông Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của một đợt triều cường diễn ra từ ngày 30/1 - 2/2/2025 (mùng 2 - 5 Tết), đỉnh triều cao nhất trong đợt này có thể đạt 4,1 m, gây ngập úng cục bộ cho một số khu vực ven biển, cửa sông.
Thông tin về thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ tiếp tục được cập nhật hàng ngày từ ngày 24/1 - 3 - 2/2025 trên website www.nchmf.gov.vn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Nắng nóng trong năm 2025 không gây gắt và kéo dài như năm 2024
Về tình hình thời tiết năm 2025, ông Hoàng Phúc Lâm thông tin, mùa bão sẽ bắt đầu xuất hiện vào khoảng tháng 6, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm với số lượng khoảng 11 - 13 cơn, ảnh hưởng đến đất liền khoảng 5 - 6 cơn.
Hiện tượng nắng nóng có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng có khả năng bắt đầu xuất hiện tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên vào khoảng nửa đầu tháng 3; khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây. Bắc Trung Bộ vào khoảng tháng 4 và phía Đông Bắc Bộ, khu vực ven biển Trung Bộ từ khoảng tháng 5 trở đi. Nhiều khả năng nắng nóng trong năm 2025 sẽ không gây gắt và kéo dài như năm 2024.
Về không khí lạnh, năm 2025 dự báo hoạt động tương đương trung bình nhiều năm nên sẽ có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại trong giai đoạn từ tháng 1 - 3/2025, trong đó cần đề phòng xuất hiện các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, băng giá, sương muối ở khu vực vùng núi phía Bắc.
Trong năm 2025 số đợt mưa lớn diện rộng xảy ra trên toàn quốc và ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm (khoảng 20 đợt). Các đợt mưa lớn diện rộng có khả năng bắt đầu từ tháng 6 ở Bắc Bộ, sau đó chuyển dần về phía nam và kết thúc vào khoảng tháng 12 ở các tỉnh Trung Bộ.
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, từ tháng 2 đến tháng 4/2025 xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh, nông nghiệp tại các địa phương. Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập mặn không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020.
Từ tháng 3 - 7/2025, tình hình khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi có khả năng xảy ra tại các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!