Thiếu, thừa muối i-ốt đều tăng nguy cơ phát triển nhân tuyến giáp

Trịnh Mai-Thứ hai, ngày 22/05/2023 15:37 GMT+7

Các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội đồng hành tư vấn trong chương trình.

VTV.vn - Thiếu hoặc thừa muối i-ốt trong chế độ ăn uống có thể làm phát triển các nhân trong tuyến giáp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Thông tin trên vừa được chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Bệnh lý tuyến giáp: Bướu giáp, K giáp, suy giáp, cường giáp, viêm giáp" do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tối ngày 16/5/2023. Chương trình có sự đồng hành của các chuyên gia đến từ BVĐK Tâm Anh Hà Nội: TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường; TS.BS Trần Hải Bình, Phó khoa Ung Bướu; ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Trường, Phó khoa Ngoại tổng hợp.

Tuyến giáp đảm nhiệm vai trò điều hòa quá trình chuyển hóa của cơ thể, đồng thời kích thích cơ chế sinh sản và tăng trưởng của tế bào. Thiếu hoặc thừa hormone tuyến giáp đều khiến cơ thể hoạt động bất thường, gây nên những bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe như bướu giáp, viêm giáp, cường giáp, suy giáp… Theo thống kê của GLOBOCAN (2020), tại Việt Nam ung thư tuyến giáp đứng thứ 10. Mỗi năm có khoảng 5.500 ca mắc mới và 650 ca tử vong.

TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước cho biết, khoảng 30% số người từ 18-65 tuổi mắc các bệnh lý tuyến giáp. Tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi và phổ biến hơn ở phụ nữ khoảng 4-5 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể về mặt giải phẫu cũng như thay đổi sinh lý: nồng độ hormone estrogen ở nữ cao hơn, cơ thể phụ nữ phải trải qua nhiều thay đổi về nội tiết tố hơn nam giới. Một số bệnh lý tuyến giáp tự miễn như Basedow, viêm giáp tự miễn,... có yếu tố di truyền.

Thiếu, thừa muối i-ốt đều tăng nguy cơ phát triển nhân tuyến giáp - Ảnh 1.

Theo TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp cao gấp nhiều lần so với nam giới.

Các bệnh về tuyến giáp thường bị bỏ sót, không được chẩn đoán chiếm khoảng 20-60% trong tổng số người mắc bệnh. Hầu hết các trường hợp được tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ do các triệu chứng nhận biết không rõ ràng. Theo TS.BS Trần Hải Bình, những khối u tuyến giáp đa phần là lành tính (khoảng hơn 90%), chỉ 4,0% - 6,5% là ung thư. Khi u tuyến giáp biểu hiện triệu chứng như khó thở, khó nuốt, khàn tiếng, các biểu hiện cường giáp (đổ mồ hôi, đánh trống ngực và rối loạn dung nạp glucose, giảm cân, yếu cơ, yếu xương,...) hay suy giáp (mệt mỏi, tê và ngứa ran ở tay, tăng cân, da và tóc khô, thô ráp, táo bón, trầm cảm, rối loạn kinh nguyệt…) nghĩa là khối u đã phát triển lớn.

Ngoài bức xạ ion hóa, hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì, hội chứng chuyển hóa... chế độ ăn thừa hoặc thiếu muối i-ốt cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến tăng nguy cơ mắc nhân giáp và bướu cổ.

Tiến sĩ Hải Bình cho biết, để tầm soát các bệnh lý tuyến giáp, ngoài khai thác yếu tố nguy cơ, triệu chứng lâm sàng, tiền sử cá nhân và gia đình người bệnh, xét nghiệm hormone tuyến giáp, hormone kích thích tuyến giáp và siêu âm vùng cổ để xác định đặc điểm của nhân giáp. Nếu có phát hiện nhân hoặc u tuyến giáp, bác sĩ sẽ chỉ định chọc hút tế bào kim nhỏ nhân/u tuyến giáp dưới hướng dẫn của máy siêu âm để tăng độ chính xác cho xét nghiệm tế bào học, giúp xác định bản chất khối u lành hay ác tính. Một số trường hợp cần xét nghiệm gen di truyền, hóa mô miễn dịch, siêu âm đàn hồi mô, chụp MRI, CT và PET/CT. Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, với sự kết hợp của hệ thống máy siêu âm hiện đại có độ phân giải cao và kỹ thuật chọc hút kim nhỏ FNA bơm áp lực mạnh, mang lại hiệu quả chẩn đoán chính xác cao, tiết kiệm chi phí và đặc biệt không làm khuếch tán các tế bào ác tính.

Thiếu, thừa muối i-ốt đều tăng nguy cơ phát triển nhân tuyến giáp - Ảnh 2.

TS.BS Trần Hải Bình nhận định ung thư tuyến giáp tiến triển chậm rãi, có nhiều cơ hội điều trị khỏi nếu phát hiện kịp thời.

"Khác với các bệnh ung thư khác thường diễn tiến qua 4 giai đoạn, ung thư tuyến giáp ở người dưới 55 tuổi chỉ chia làm 2 giai đoạn 1 và 2. Khối u mặc dù to và có di căn hạch vẫn thuộc giai đoạn 1. Giai đoạn 2 là ung thư đã di căn xa vào các cơ quan khác như xương, phổi, gan. Vì vậy ung thư tuyến giáp được đánh giá là hiền hòa, tiến triển chậm rãi, từ từ, hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện kịp thời", Tiến sĩ Hải Bình cho hay.

ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Trường chia sẻ tại livestream, ung thư tuyến giáp có nhiều phương pháp điều trị, trong đó phẫu thuật là phương pháp phổ biến giúp điều trị triệt căn. Ngoài ung thư tuyến giáp, những nhân lành tuyến giáp nếu tăng kích thước nhanh, gây mất thẩm mỹ hoặc có chèn ép gây khó nuốt, khó nói cũng cần được can thiệp.

Tại BVĐK Tâm Anh, hệ thống máy phẫu thuật nội soi tân tiến tiếp cận khối u tuyến giáp qua hai đường nách vú hoặc miệng giúp loại bỏ các tổ chức ung thư, hạch di căn, giảm tối đa tỷ lệ tái phát nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ. Ngoài ra, bệnh viện còn ứng dụng hiệu quả phương pháp đốt sóng cao tần trong điều trị u tuyến giáp lành tính và ác tính kích thước nhỏ, giúp bảo tồn tối đa tuyến giáp lành, bảo toàn chức năng tuyến giáp, đảm bảo tính thẩm mỹ với thời gian can thiệp ngắn. Người bệnh có thể xuất viện ngay sau khi đốt sóng cao tần, ăn uống, nói chuyện, sinh hoạt và làm việc bình thường mà không cần phải nằm viện, giảm tối đa chi phí điều trị và các hạn chế trong sinh hoạt cá nhân.

Thiếu, thừa muối i-ốt đều tăng nguy cơ phát triển nhân tuyến giáp - Ảnh 3.

ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Trường chia sẻ các phương pháp can thiệp điều trị u tuyến giáp.

Giải đáp thắc mắc của khán giả về trường hợp cần uống i-ốt phóng xạ sau khi phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, Tiến sĩ Hải Bình cho biết, người bệnh sẽ có chỉ định sử dụng khi nghi ngờ các tế bào ung thư có thể tái phát. Tùy vào liều lượng phóng xạ mà người bệnh có thể tiến hành cách ly hay không. Việc điều trị bằng i-ốt phóng xạ không gây nguy hiểm với người xung quanh nếu người bệnh tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.

Tư vấn về tác dụng của các thuốc hormone tuyến giáp khi phải sử dụng trọn đời sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước nhận định, các loại thuốc này đều lành tính nên đảm bảo điều trị an toàn. Với giá thành rẻ, người bệnh có thể dễ dàng tiếp cận và chi trả.

Để đảm bảo sức khỏe và chức năng tuyến giáp, các chuyên gia khuyên mọi người nên xây dựng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, hoa quả và chất xơ, hạn chế đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ; tránh sử dụng chất kích thích, hạn chế uống rượu bia và hút thuốc lá; rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý. Kiểm tra, tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc ít nhất 1 năm/lần giúp phát hiện kịp thời các tình trạng bất thường của tuyến giáp, từ đó tăng khả năng điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý sử dụng muối i-ốt theo khuyến cáo, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần bổ sung đủ để thai nhi có nguyên liệu tổng hợp hormone tuyến giáp. Thông thường mỗi người trưởng thành cần khoảng 150 mcg - 200 mcg i-ốt/ngày. Tuy vậy, theo các chuyên gia, một số trường hợp không nên dùng muối i-ốt quá nhiều như cường giáp, basedow, viêm giáp tự miễn do có thể làm mất tác dụng điều trị của thuốc hoặc khiến tình trạng bệnh tăng nặng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước