Ngày 27/12, bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh âm u, nắng yếu, nhiều mây và sương mù dày đặc, nồng độ bụi mịn cao gấp nhiều lần mức cho phép. Người dân Thành phố cảm thấy lo lắng về ảnh hưởng của hiện tượng khí tượng này đối với sức khỏe con người.
Sương mù dày đặc trên Đại lộ Võ Văn Kiệt (Quận 1) khiến các tòa nhà cao tầng bị che khuất trong màu trắng đục (ảnh tư liệu).
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, từ sáng sớm Thành phố Hồ Chí Minh đã có sương mù kèm theo không khí mát mẻ, nhiệt độ thấp nhất từ 22-25 độ C. Đến trưa, trời bắt đầu oi bức hơn nhưng nắng yếu, sương mù không tan hết mà vẫn xuất hiện tại nhiều nơi; đa phần các tòa nhà cao tầng đều bị che khuất bởi lớp sương mờ. Nhiều người dân di chuyển ngoài đường cảm nhận rõ rệt tầm nhìn bị hạn chế do lớp sương mờ.
Chị Trần Hồng Lan (ngụ thành phố Thủ Đức) chia sẻ: "Chạy xe ngoài đường tôi gần như không thể thấy các tòa nhà cao tầng cách khoảng 50-100m trước mặt. Khu vực ven sông, kênh rạch cũng hầu như không thể thấy bờ bên kia. Đến trưa, tầm nhìn rõ hơn nhưng vẫn có cảm giác xung quanh bị bao phủ bởi một lớp sương mờ, ngột ngạt khó thở. Tình trạng này đã kéo dài từ đầu tháng 12 đến giờ".
Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) cho thấy, nhiều khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.
Cụ thể, theo ứng dụng Air Visual, nồng độ bụi mịn PM 2.5 (mịn PM 2.5 là vật chất dạng hạt trôi nổi trong không khí với đường kính bằng 2.5 micromet hoặc nhỏ hơn) tại Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc gần 10 giờ sáng 27/12 là 44 µg/m³ (mức cho phép là khoảng 5 µg/m³). Như vậy nồng độ bụi mịn PM 2.5 tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay cao gấp 8,8 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nguyên nhân xuất hiện sương mù trong hôm nay là do độ ẩm trong không khí khá cao sau khi chịu tác động từ một số hình thái thời tiết. Cụ thể, áp cao lạnh lục địa suy yếu chậm nhưng đang có đợt không khí lạnh khác tăng cường, di chuyển xuống, tác động tới các tỉnh phía Bắc nước ta. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Bộ hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 10) hoạt động trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa suy yếu thành vùng thấp. Gió Đông Bắc trên vùng biển phía Đông Nam Bộ hoạt động với cường độ trung bình.
Những hình thế thời tiết trên tác động làm cho độ ẩm trong không khí tại miền Nam khá cao. Cụ thể, độ ẩm không khí ghi nhận sáng nay tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ phổ biến trên 80%, riêng Thành phố Hồ Chí Minh là 87,7%. Độ ẩm không khí cao, nguồn ẩm từ vùng thấp, là nơi hội tụ lượng hơi nước nhiều kết hợp với gió Đông Bắc đẩy ẩm từ biển vào đất liền tạo nên lớp mù tại tầng gần mặt đất.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, mù là hiện tượng khí tượng bình thường, khi có đủ điều kiện độ ẩm không khí cao, nhiệt độ không khí thấp, gió nhẹ thì sẽ xuất hiện; người dân không nên hoang mang, lo lắng. Hiện tượng mù không xếp vào loại hình thời tiết nguy hiểm, không phản ánh trực tiếp mức độ chất lượng không khí có ô nhiễm hay không. Muốn xác định mức độ ô nhiễm trong không khí, phải có số liệu đo, phân tích từ cơ quan chức năng, tức Trung tâm Quan trắc Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh. Dự báo, từ nay đến Tết Dương lịch và Tết Âm lịch Ất Tỵ năm 2025 vẫn có một số ngày sẽ xảy ra mù tương tự như sáng nay.
Ngoài ra, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cũng thông tin, hiện nay áp cao lạnh lục địa hoạt động ổn định sau suy yếu, khoảng ngày 31/12, không khí lạnh sẽ tăng cường trở lại ở phía Bắc nước ta. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Bộ tiếp tục lấn Tây. Nhiễu động gió Đông hình thành và dự báo có thể gây mưa tại khu vực Nam Bộ vào những ngày cuối tháng 12/2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!