“Thần tượng” lệch chuẩn, video phản cảm ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 27/10/2022 18:43 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (tỉnh Bắc Ninh)

VTV.vn - Cho rằng người nổi tiếng trên MXH dễ định hướng sai lệch cho thanh thiếu niên, ĐBQH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh cần có chế tài xử lý thích đáng với các "thần tượng" này.

Quan ngại về ứng xử lệch chuẩn của người nổi tiếng

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 27/10, đại biểu Nguyễn Thị Hà (tỉnh Bắc Ninh) cho rằng song song với phát triển kinh tế, việc xây dựng và phát triển văn hóa đã được quan tâm hơn nhiều, thể hiện qua các chương trình triển khai Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại các địa phương. Hội nghị văn hóa toàn quốc đã có tác động rất lớn, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành văn hóa cũng như các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh.

Tuy nhiên, đại biểu tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng phải tăng cường đầu tư cho văn hóa vì phát triển văn hóa vẫn chưa thật tương xứng ngang tầm với phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà nêu quan điểm, công cuộc chấn hưng văn hóa luôn phải được bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người, trong đó trọng tâm là thế hệ trẻ, bởi họ là nguồn lực chính trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Hành vi của họ sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hành vi văn hóa của cộng đồng, vì vậy vấn đề văn hóa số rất cần được quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà đã đề cập một số tồn tại trong ứng xử của thanh thiếu niên trên không gian mạng. Theo đó, ảnh hưởng của những người trẻ nổi tiếng, là thần tượng của đông đảo người hâm mộ có độ phủ rộng và ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ.

"Họ chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật với vai trò ca sĩ, diễn viên, người mẫu. Họ chính là biểu tượng những hình mẫu lý tưởng mà nhiều bạn thanh thiếu niên hàng ngày vẫn khao khát như có một ngoại hình đẹp như nam thần, nữ thần, cuộc sống xa hoa được hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu người hâm mộ. Tuy nhiên cách ứng xử của những thần tượng đôi khi lại gây ra rất nhiều quan ngại" – ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Những hành vi ứng xử lệch chuẩn của những người nổi tiếng dễ định hướng sai lệch trong việc hình thành nhân cách cho những người hâm mộ trẻ tuổi. Đại biểu nhấn mạnh, không khó để nhìn ra được thực trạng "thần tượng nào, người hâm mộ đó" và ngược lại.

Người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn tới người hâm mộ trẻ tuổi. Vì vậy, họ cần có trách nhiệm với những phát ngôn trên báo chí, cần phải có trách nhiệm đối với hành vi và lối sống của mình.

Nhiều video phản cảm, bạo lực câu view gây suy nghĩ lệch lạc cho giới trẻ

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề cập tới việc những nguồn thu "khủng" từ YouTube, TikTok, Facebook… tạo nên nhiều trào lưu trên các nền tảng.

"Bên cạnh những video có giá trị về giáo dục, văn hóa, tinh thần thì lại có nhiều bạn trẻ muốn nhanh chóng đạt được những mục tiêu tài chính như mong ước. Điều mà các bạn thể hiện trên kênh cá nhân của mình không phải là tài năng để đem lại những giá trị hữu ích cho cộng đồng mà là những nội dung phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục, bạo lực câu like, câu view. Việc bất chấp để nổi tiếng theo cách này thể hiện lối sống thực dụng, suy thoái về tư tưởng của người tạo ra video. Đáng lo ngại là những video này lại dễ dàng thu hút sự chú ý của thanh niên. Thậm chí nhiều trẻ em hàng ngày vẫn lướt xem. Hệ lụy là một bộ phận người xem là thanh thiếu niên sẽ có suy nghĩ lệch lạc rằng không cần phải chăm chỉ học hành, tu dưỡng đạo đức, chỉ cần làm những video giật gân là sẽ nổi tiếng và sẽ kiếm được nhiều tiền" – bà Hà chia sẻ.

“Thần tượng” lệch chuẩn, video phản cảm ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ - Ảnh 1.

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video phản cảm...

“Thần tượng” lệch chuẩn, video phản cảm ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ - Ảnh 2.

... nhiều "idol" có hành vi lệch chuẩn.

Đại biểu cho rằng, việc lướt xem các video có nội dung xấu độc như vậy sẽ thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, dễ dẫn tới những hành vi không chuẩn mực của những thanh thiếu niên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ án thương tâm xảy ra gần đây do người trẻ gây ra vì những mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn tình tiền…

Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất Chính phủ cần chú trọng phát triển văn hóa khi triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua. Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo của Chính phủ là phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế xã hội.

Cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa, hạn chế và kiểm soát những video tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc… Có chế tài xử lý thích đáng và đủ sức răn đe với những trường hợp nghệ sĩ có phát ngôn, cư xử, lối sống không phù hợp, không lành mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của giới trẻ.

Phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội.

Về vấn đề phát triển văn hóa, đại biểu Phan Viết Lượng (tỉnh Bình Phước) cho biết, 10 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

“Thần tượng” lệch chuẩn, video phản cảm ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ - Ảnh 3.

Đại biểu Phan Viết Lượng (tỉnh Bình Phước)

Đại biểu trích dẫn phát biểu kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về việc phát triển văn hóa chưa tương xứng, ngang hàng với phát triển kinh tế; tổ chức bộ máy, cán bộ cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của ngành văn hóa còn một số bất cập, hạn chế chưa được tháo gỡ.

Trong giai đoạn trước, đầu tư cho văn hóa chủ yếu thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, sau khi chương trình này kết thúc năm 2015 nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm nhưng luôn ở mức thấp.

Trong khi năm 2022 Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án thành phần về văn hóa thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được Chính phủ phê duyệt với số kinh phí hạn chế nhưng đến nay chưa được giao dự toán, cấp vốn thực hiện hoặc chưa được giải ngân.

"Những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Để phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình đã ban hành" - đại biểu tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.

Trong đó, cần ưu tiên các chính sách, giải pháp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật; xây dựng môi trường con người văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Nghị quyết 572 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước