Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2024, ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế toàn hoàn, kinh tế carbon thấp đã đạt được kết quả bước đầu. Công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động "đi sớm, đi trước", chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, chống. Qua đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, những kết quả đạt được, các hạn chế và nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương nỗ lực, những kết quả quan trọng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện và đạt được trong năm qua; khẳng định trong kết quả chung của cả nước có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa khi ngành Tài nguyên và Môi trường, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
Theo Phó Thủ tướng việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" sẽ hình thành bộ máy mới, tư duy quản lý mới theo hướng mạnh hơn, hiệu quả hơn, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp của ngành Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thiết thực cùng Đảng, Chính phủ, các ngành, các địa phương vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đó là: "Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm". Trong đó, xác định môi trường là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững Kinh tế - Văn hóa Xã hội - Môi trường. Trên cơ sở đó, sau khi hai Bộ hợp nhất, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải thay đổi tư duy quản lý, phải giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa, làm sao để môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Để làm được điều đó, thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần phải đặt môi trường vào vị trí trung tâm để phát triển bền vững, là triết lý của ngành, đưa ra các nguyên tắc nguyên lý và có cái nhìn sâu hơn.
Nhất trí với báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là xác định ưu thế của ngành chưa hợp lý, tổ chức bộ máy còn chồng chéo và chưa được giải quyết triệt để dẫn đến chất lượng môi trường sống chưa đạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Cùng với đó năng lực tổ chức để khai thác, sử dụng hài hòa, bền vững tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường cũng còn những hạn chế nhất định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị
Góp ý với mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, Phó Thủ tướng lưu ý, danh mục các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia của ngành còn ít. Ngành cần rà soát, bổ sung để phù hợp với yêu cầu phát triển cũng như yêu cầu nhiệm vụ mới. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Muốn làm được điều này, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số hiệu quả.
Hướng tới mục tiêu năm 2025, kinh tế tuần hoàn được triển khai ở tất cả các ngành, lĩnh vực, Phó Thủ tướng yêu cầu mỗi cá nhân lãnh đạo, cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác trong thời gian tới. Quán triệt sâu sắc quan điểm "Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trọng tâm", xác định môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!